Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sa Pa đối chiếu sổ vay vốn cho người dân thôn Lếch Mông, xã Thanh Kim. |
Còn gia đình chị Vàng Thị Séng, thôn Thẩm Phúc, xã Cốc Ly (Bắc Hà), khởi nguồn từ vốn vay 50 triệu đồng về cho vay đối với hộ nghèo để mua trâu sinh sản, đầu tư trồng quế. Nhờ cần cù và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, nên từ lúc chỉ có 2 con trâu ban đầu, nay gia đình đã có đàn trâu 5 con và gần 3 ha quế từ 2 đến 3 năm tuổi, cuộc sống khấm khá hơn trước.
Nói về nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện tại địa phương, ông Nguyễn Đắc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Thanh Kim (Sa Pa) cho biết: Những năm qua, nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội đã hỗ trợ đắc lực cho địa phương xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn vay ưu đãi (với hơn 9 tỷ đồng dư nợ), nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn có điều kiện phát triển chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò) và phát triển nông nghiệp hàng hóa như trồng cây khoai sọ, ớt, lúa chất lượng cao, cây dược liệu. Nguồn vốn tín dụng cùng với các chương trình phát triển kinh tế của địa phương đã góp phần giúp 58 hộ trên địa bàn xã thoát nghèo năm 2018 và năm 2019, xã phấn đấu có thêm gần 50 hộ thoát nghèo, nâng thu nhập bình quân đầu người đạt gần 31 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hải Hà, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: Đơn vị đang thực hiện 15 chương trình cho vay ưu đãi với tổng dư nợ gần 2.800 tỷ đồng, với hơn 70.500 hộ vay vốn và dư nợ bình quân hơn 39 triệu đồng/hộ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tập trung cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, các đối tượng chính sách khác, trong đó ưu tiên hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Để nguồn vốn phát huy tối đa hiệu quả, bên cạnh những nỗ lực của ngân hàng và các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác, đòi hỏi mỗi đối tượng được hỗ trợ phải quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích nguồn vốn được vay.