Trao giải cho các dự án xuất sắc
Nghiên cứu khoa học của học sinh trung học góp phần chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19
Từ thực tiễn đời sống khơi nguồn ý tưởng sáng tạo khoa học và với mục đích vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn của cuộc sống, nhiều ý tưởng sáng tạo khoa học của học sinh liên quan đến đại dịch Covid-19 đã được hình thành và tiến hành nghiên cứu. Trong tổng số 162 dự án tham gia kì thi Nghiên cứu khoa học kĩ thuật cấp tỉnh năm nay có 13 dự án nghiên cứu về dịch Covid 19 (chiếm 8.02% tổng số dự án dự thi), thuộc các lĩnh vực khác nhau: khoa học xã hội, hành vi (4 dự án); kĩ thuật cơ khí (4 dự án); y sinh và khoa học sức khỏe (1 dự án); hệ thống nhúng (3 dự án); phần mềm hệ thống (1 dự án). Cả 13 dự án đều giành các giải thưởng của Cuộc thi, trong đó có 04 giải Nhì, 04 giải Ba, 02 giải Tư và 03 giải Triển vọng.
13 dự án của học sinh Lào Cai tham gia kì thi Nghiên cứu Khoa học – Kĩ thuật cấp tỉnh năm nay liên quan đến đại dịch Covid-19 đều được đánh giá là những dự án mang giá trị nhân văn sâu sắc, có tính áp dụng thực tiễn cao. Ở lĩnh vực Khoa học xã hội hành vi, các dự án đều tập trung hướng đến đề xuất các giải pháp tác động đến nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân nói chung và tầng lớp học sinh nói riêng trong công tác phòng chống dịch Covid-19 như: Nghiên cứu nhận thức và hành vi sức khỏe của học sinh THPT trên địa bàn thành phố Lào Cai trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Nghiên cứu về ý thức, thái độ và đề xuất một số giải pháp trong việc phòng chống dịch Covid-19 của người dân Sa Pa – Lào Cai. Chia sẻ về quá trình tìm đề tài và hướng dẫn học sinh nghiên cứu của mình, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà – Giáo viên trường THPT số 4 TP Lào Cai cho biết: “Khi chưa có vắc-xin cũng như các biện pháp điều trị dứt điểm Covid-19 thì các hành vi phòng bệnh là cách duy nhất để khắc phục bệnh. Xuất phát từ thực tế của đời sống xã hội, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn đề tài “Nghiên cứu nhận thức, hành vi sức khỏe của học sinh THPT trên địa bàn thành phố Lào Cai trong bối cảnh dịch Covid- 19” nhằm góp một phần nhỏ bé đề xuất các biện pháp tuyên truyền và các biện pháp khác để chung tay phòng dịch bệnh một cách hiệu quả nhất”. Dự án này đã xuất sắc giành giải Nhì trong cuộc thi với nhiều giải pháp thiết thực và mang tính hiệu quả cao.
Bên cạnh việc nghiên cứu những tác động về mặt nhận thức, hành vi của người dân, kì thi năm nay còn có các sản phẩm thiết thực trong công tác phòng chống dịch bệnh thuộc các lĩnh vực: kĩ thuật cơ khí, y sinh và khoa học sức khỏe, hệ thống nhúng, phần mềm hệ thống. Xuất phát từ thực tiễn việc đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, khử khuẩn là việc làm quan trọng để kiểm soát, hạn chế việc lây nhiễm Covid-19, thầy và trò trường THCS số 2 thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên) đã nghiên cứu Hệ thống đo thân nhiệt, xịt khử khuẩn, quạt khô tay tự động tránh tiếp xúc và có chức năng lưu trữ thông tin; Máy phát hiện và nhắc nhở người không đeo khẩu trang của học sinh trường THCS Na Lốc (Mường Khương)… đã thể hiện tinh thần quyết tâm chung tay phòng chống dịch.
Dự án nghiên cứu khoa học đầy tính nhân văn
Không chỉ quan tâm đến đối tượng người dân nói chung, các em học sinh còn thiết kế các sản phẩm thiết thực hướng tới đội ngũ nhân viên y tế trong công tác phòng chống, chữa chạy cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Nhận thức rõ trong thời điểm dịch bệnh, các nhân viên y tế, bác sĩ không chỉ có trách nhiệm phòng chống dịch mà còn phải tiếp tục công việc duy trì sự sống của những bệnh nhân Covid và bệnh nhân mắc các bệnh lý nền khác; họ là những người đang phải làm việc với cường độ cao trong thời gian dài, thậm chí ngay cả khi được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ y tế, các y bác sĩ vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh trong những tình huống khó tránh khỏi khi thăm khám, cấp cứu bệnh nhân, nhóm nghiên cứu Nguyễn Bảo Long – Nguyễn Thúy Quỳnh (Trường THPT Chuyên Lào Cai) đã nghiên cứu đề tài Thiết bị hỗ trợ cho người mặc trang phục bảo hộ chống dịch Covid. Đây là đề tài được đánh giá cao trong cuộc thi vừa mang tính ứng dụng cao, vừa có giá trị nhân văn sâu sắc, đã giành giải Nhì và bước vào vòng thi chung cuộc của tất cả các lĩnh vực. Chia sẻ về quá trình hình thành ý tưởng và thực hiện dự án, học sinh Nguyễn Bảo Long – Lớp 11 Toán tin, trường THPT Chuyên Lào Cai cho biết: “Đối với các nhân viên y tế ở tiền tuyến trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID – 19, thiết bị bảo hộ y tế cá nhân là tuyến phòng thủ duy nhất và quan trọng nhất đối với các y bác sỹ để chống lại virus corona. Khi theo dõi các chương trình thời sự và trên các trang mạng xã hội, chúng em thấy thật sự cảm thông và xúc động trước những vất vả, hy sinh của đội ngũ y bác sỹ làm nhiệm vụ trên tuyến đầu. Tuy nhiên việc mặc đồ bảo hộ y tế cũng gây không ít những khó khăn, bất tiện cho các y bác sĩ bởi vậy chúng em đã nghiên cứu để chế tạo ra thiết bị giúp giảm thiểu sự khó khăn, bất tiện của các y bác sĩ trong vấn đề mặc đồ bảo hộ y tế trong thời gian dài”. Là người trực tiếp hướng dẫn dự án và song hành cùng các học sinh trong quá trình nghiên cứu đề tài này, thầy Phạm Nguyên Hoàng – Giáo viên trường THPT Chuyên Lào Cai tâm sự: “Nghiên cứu khoa học kĩ thuật không chỉ khơi nguồn và phát huy khả năng sáng tạo cho các em học sinh mà còn khơi dậy, thắp sáng những giá trị nhân văn của cuộc sống, dạy các em biết trân quý con người, cuộc đời. Nghiên cứu, chế tạo ra một thiết bị tự động đo nhiệt độ và độ ẩm của môi trường trong áo, nếu vượt quá ngưỡng cho phép thì sẽ tự động điều khiển bơm hút khí từ bên ngoài, qua hệ thống khử khuẩn rồi được quạt thổi vào trong áo nhằm làm thông thoáng và mát môi trường trong áo phần nào hỗ trợ sức khoẻ, cải thiện tâm lí cho các nhân viên y tế, bác sĩ ở bệnh viện, khu cách ly trong quá trình chống dịch Covid-19 là một dự án nghiên cứu khoa học đã đáp ứng tốt những yêu cầu như thế”.
Nhóm tác giả của đề tài Thiết bị hỗ trợ cho người mặc trang phục bảo hộ chống dịch Covid
Trong gần 10 năm diễn ra cuộc thi Nghiên cứu khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học trên cả nước đã có hàng ngàn học sinh được thu hút, tham gia. Đây là động lực để nhiều trường triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức vào các vấn đề trong cuộc sống. Trong một bài báo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã từng khẳng định: “Tại những cuộc thi này, từ việc xác định đề tài đến quá trình triển khai nghiên cứu đề tài cho thấy nhiều em đã thực sự có phẩm chất và năng lực của nhà khoa học. Các ý tưởng sáng tạo của các em đã được hiện thực hóa và giải quyết nhiều vấn đề này nảy sinh trong thực tiễn”. Hi vọng với những kết quả của ngành Giáo dục Lào Cai trong thời gian qua cũng như những dự án ý nghĩa, thiết thực của các em học sinh trong kì thi năm nay liên quan đến đại dịch Covid-19 sẽ là những bước đi vững chắc, khẳng định và ươm mầm thêm những ý tưởng của các em học sinh, nuôi dưỡng tình yêu với công tác nghiên cứu khoa học.