Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến với 63 điểm cầu các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai. |
Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thường trực HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị của tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh: Trong bối cảnh chung cả nước chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, với truyền thống đoàn kết, kỷ cương, trí tuệ, đam mê cống hiến và tinh thần vượt khó, Bộ, ngành Tư pháp đã nỗ lực vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từ tham mưu những vấn đề vĩ mô kịp thời thể chế hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công tác pháp luật, tư pháp. Đồng thời, nhận diện những tồn tại, hạn chế, vướng mắc của hệ thống pháp luật để đề xuất giải pháp, xử lý những phát sinh trước tác động của đại dịch Covid-19 đến trực tiếp quản lý, tổ chức thi hành những phần việc vi mô cụ thể như công chứng, đăng ký giao dịch, hộ tịch, trợ giúp pháp lý…
Trong năm, các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 luật, 5 nghị quyết và cho ý kiến đối với 5 dự án luật khác; đang gấp rút chuẩn bị 4 nội dung trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp bất thường, trong đó có nhiều nội dung quan trọng, liên quan đến quốc kế dân sinh, phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Các bộ, ngành đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 784 văn bản quy phạm pháp luật. Ở các địa phương, đã ban hành 3.619 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh; 1.891 văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện; 2.588 văn bản quy phạm pháp luật cấp xã.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai. |
Năm 2021, Bộ Tư pháp đã thẩm định 43 đề nghị xây dựng, 232 dự thảo. Đặc biệt, có một số văn bản thẩm định phải tập trung khẩn trương hoàn thành theo yêu cầu của Chính phủ để kịp thời ban hành các quy định ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục vào cuộc kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm; kết luận kiểm tra chính xác; nhiều văn bản trái pháp luật đã được xử lý dứt điểm, góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp…
Cùng với đó, công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật được thực hiện thực chất, hiệu quả; tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở đã có nhiều đổi mới. Nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến đã được Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương chú trọng, nổi bật là thi tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật đối với một số lĩnh vực công tác của Bộ, ngành tư pháp như thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; hành chính tư pháp; pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật… trong bối cảnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp tiếp tục được nâng cao.
Các cơ quan thi hành án dân sự đã nỗ lực thi hành xong 493.971 việc với hơn 45.700 tỷ đồng, trong đó có hơn 4.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi.
Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử triển khai tại 63 tỉnh/thành đã ghi nhận có hơn 21,2 triệu dữ liệu khai sinh với hơn 6,4 triệu dữ liệu hộ tịch điện tử được chia sẻ cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hơn 2,7 triệu thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi được cấp thông qua liên thông thủ tục hành chính điện tử; hơn 4,2 triệu dữ liệu kết hôn; hơn 3 triệu dữ liệu khai tử; hơn 5,6 triệu hồ sơ đăng ký các sự kiện hộ tịch khác.
Riêng tại tỉnh Lào Cai, trong công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, năm 2021, tỉnh Lào Cai khai trương, vận hành hoạt động Trang thông tin phổ biến pháp luật tỉnh Lào Cai; tổ chức 5.263 buổi tuyên truyền pháp luật cho trên 919.000 lượt người tham gia; cấp phát 665 tài liệu về phổ biến giáo dục pháp luật… Công tác xây dựng văn bản, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật luôn thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng với việc đã thẩm định đối với 102 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Lĩnh vực hành chính tư pháp đã giải quyết kịp thời nhu cầu của người dân; quản lý nhà nước trên lĩnh vực bổ trợ tư pháp đi vào nền nếp, việc xã hội hóa được tiếp tục đẩy mạnh đã phục vụ đắc lực hơn nhiệm vụ cải cách tư pháp, cải cách hành chính…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chia sẻ nhiều nội dung, kinh nghiệm trong thực hiện công tác tư pháp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, công tác phối hợp giữa các cấp, ngành và nêu một số đề xuất, kiến nghị để tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương kết quả mà Bộ, ngành tư pháp đạt được trong năm 2021 đã góp phần không nhỏ vào tình hình phát triển chung của đất nước. Điều này được thể hiện rõ thông qua việc bộ, ngành tư pháp tích cực, chủ động, cụ thể hóa đường lối, chủ trương, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch. Tập trung tháo gỡ vướng mắc về mặt thể chế để khôi phục, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hoạt động thuộc lĩnh vực tư pháp và các lĩnh vực khác… Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để Bộ, ngành tư pháp khắc phục trong thời gian tới.
Nhận định tình hình trong nước và quốc tế trong năm 2022 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, do vậy, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2022. Trong đó cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và thực thi pháp luật; bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, tình hình thực tiễn để nhanh chóng thể chế hóa, cụ thể hóa pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao năng lực phục vụ cho người dân, doanh nghiệp…
Tại Hội nghị đã khen thưởng một số tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành được giao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời phát động phong trào thi đua ngành tư pháp năm 2022.