Tương ớt Mường Khương là một trong những sản phẩm OCOP được gắn sao. |
Chương trình OCOP được tỉnh thực hiện nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Những năm qua, chương trình triển khai phù hợp, thích ứng với các yếu tố, quy luật kinh tế thị trường, các sản phẩm hướng tới tiêu chuẩn chất lượng của thị trường. Nhiều sản phẩm hàng hóa của Lào Cai đã được gắn sao, góp phần đưa hàng hóa từ khu vực nông thôn có mặt trên các kệ hàng siêu thị, cửa hàng trong và ngoài nước, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.
HTX Sơn Hòa (Mường Khương) thời gian đầu hoạt động hiệu quả chưa cao khi chưa có chiến lược phát triển cụ thể, mới tạo ra sản phẩm mà chưa tìm được cách tiếp cận thị trường. Khi tham gia Chương trình OCOP, hoạt động của HTX mới gắn với phát triển thương hiệu cho sản phẩm. Chương trình OCOP đã tạo sân chơi, cơ hội để HTX sản xuất ra sản phẩm có sự nâng cấp về chất lượng, bao bì, mẫu mã, tiêu chuẩn và định hướng thị trường tiêu thụ, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Đến nay, HTX Sơn Hòa là một trong những hợp tác xã tiêu biểu, đi đầu trong chương trình OCOP của huyện Mường Khương với 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, gồm ruốc lợn bản, khâu nhục Mường Khương và các sản phẩm thịt lợn bản Mường Khương được sơ chế.
Theo chị Cao Thị Hòa, đại diện HTX Sơn Hòa chia sẻ, các HTX cần đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Trước mắt, chọn sản phẩm nổi bật để phát triển trước rồi dần dần nhân rộng, tiếp đó sẽ đầu tư hạ tầng, tập trung sản xuất sản phẩm chất lượng cao. “HTX của chúng tôi đã huy động và lồng ghép các nguồn vốn để phát huy tối đa các nguồn lực thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP. Chúng tôi cũng tham gia hội chợ xúc tiến thương mại kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các kênh phân phối hiện đại như đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử”.
Tính đến cuối năm 2021, tỉnh Lào Cai có 123 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có nhiều sản phẩm có chủ sở hữu là các HTX. Các sản phẩm này là những sản vật, đặc sản địa phương như gạo Séng cù, tương ớt Mường Khương, bưởi Múc, cá hồi Sa Pa, thịt lợn sấy, lạp xường sấy gác bếp, các loại tinh dầu sả, quế Bảo Yên, miến đao sâm, dấm táo mèo…
Chương trình OCOP đã lan tỏa đến các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm và dịch vụ du lịch trên toàn tỉnh. Chương trình đã tạo động lực phát triển các vùng sản xuất gắn với cây, con chủ lực, thế mạnh các ngành, nghề truyền thống, đặc sản địa phương.
Đối với khu vực kinh tế tập thể, khi tham gia Chương trình OCOP, các HTX đã hình thành các mô hình liên kết kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp, phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng khoa học – công nghệ, kỹ thuật cao. Các cơ sở sản xuất khi thực hiện Chương trình OCOP đã xây dựng được chuỗi liên kết với các hộ để thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu biểu như sản phẩm chè có 4.914 ha với hơn 6.000 hộ tham gia; atiso có 65 ha với 150 hộ tham gia; su su Sa Pa có 120 ha với 250 hộ tham gia; tương ớt Mường Khương có 120 ha với 755 hộ tham gia; miến đao Bản Xèo có 67 ha với 250 hộ tham gia; bưởi Múc có 40 ha với 130 hộ tham gia; gạo Séng cù có 400 ha với hơn 1.200 hộ tham gia…
Theo ông Trương Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, phát triển các sản phẩm OCOP là một trong những định hướng quan trọng, tạo động lực phát triển cho khu vực kinh tế tập thể, trong đó có HTX. Hiện nay, việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP tại các HTX có những khó khăn, đó là quy mô, năng lực quản trị còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị…
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức, phương pháp, cách thức tiếp cận và triển khai Chương trình OCOP đến cán bộ các cấp, đến các hợp tác xã, cơ sở sản xuất để tạo nên phong trào sâu rộng trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP; đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hỗ trợ phát triển sản phẩm, thương hiệu của từng sản phẩm, kế hoạch chuyên biệt, cụ thể, bài bản và định hướng cấp quốc gia…