Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp.
4 quan điểm, 15 nguyên tắc để thực hiện thành công chuyển đổi số
Mục tiêu phát triển CNTT và truyền thông của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 là hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số; phát triển hệ thống báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ đa phương tiện, hệ thống thông tin cơ sở, kết hợp các loại hình thông tin, truyền thông nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy cải cách hành chính trong toàn hệ thống chính trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ người dân, xã hội, nâng cao sự hài lòng, chất lượng cuộc sống cho người dân.
Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT và truyền thông (ICT Index) tỉnh Lào Cai trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số Đo lường sự hài lòng của người dân (SiPas), chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index).
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo tại cuộc họp.
Trên cơ sở những khó khăn, hạn chế trong phát triển CNTT và truyền thông giai đoạn 2016 -2020 cũng như xu thế phát triển giai đoạn 2021 – 2025, Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất 4 quan điểm để chuyển đổi số thành công, đó là: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh; sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, đơn vị, địa phương, người dân và doanh nghiệp; ưu tiên nguồn lực để chuyển đổi số thành công.
Lãnh đạo Sở Nội vụ phát biểu tại cuộc họp.
15 nguyên tắc, như: Thực hiện, tuân thủ kiến trúc chính quyền điện tử, đô thị thông minh; triển khai tập trung đối với chính quyền điện tử, vừa tập trung, vừa phân tán đôi với đô thị thông minh; làm chủ hạ tầng, một chính sách, một nền tảng và mở cho đa đối tác, triển khai đa ứng dụng; triển khai các ứng dụng trên một nền tảng; công nghệ chỉ là nền tảng hỗ trợ; trong quá trình triển khai ứng dụng cần xác định và chuẩn hoá quy trình nhiệm vụ chuyên môn; ưu tiên sử dụng, tham khảo, kế thừa ứng dụng địa phương, cơ quan khác đã triển khai; triển khai trong phạm vi hẹp, sau đó hoàn thiện và nhân rộng; gắn kết cải cách hành chính với ứng dụng CNTT, cải cách dẫn dắt, CNTT là công cụ; lấy người dùng làm trung tâm; thường xuyên rà soát tình hình sử dụng phần mềm của người dùng; lưu trữ và có kế hoạch sử dụng dữ liệu; chú trọng truyền thông, đào tạo, nâng cao nhận thức; đảm bảo an toàn thông tin…
Sở Thông tin và Truyền thông cũng kiến nghị với UBND tỉnh 24 nội dung, tập trung chủ yếu vào các nội dung như nguồn lực (tài chính, con người), hạ tầng kỹ thuật, hợp tác truyền thông, đối ngoại, quản lý báo chí, xuất bản…
Cần có chiến lược phát triển CNTT và truyền thông rõ ràng, dài hạn
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường cho rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) tạo ra sự đột phá của các công nghệ số dẫn đến sự thông minh hóa mọi mặt của xã hội. Chuyển đổi số chính là cách đi trong chặng đường phát triển thời CMCN 4.0 và là cơ hội vô giá để phát triển đất nước. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải triển khai như thế nào để phát triển CNTT và truyền thông của tỉnh?
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Trước hết, phải đánh giá công tác đầu tư về hạ tầng CNTT, chúng ta phải có chiến lược rõ ràng, tính ổn định và có tầm nhìn dài hạn; đảm bảo tổng thể, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, khắc phục được hạn chế trước đó. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Nguồn lực có hạn, nên cần đầu tư trọng điểm, đảm bảo tính liên thông, kết nối, chia sẻ.
Mục tiêu đặt ra là tỉnh phải đứng trong top 10 cả nước về ICT Index. Do vậy, chúng ta phải xác định những việc Nhà nước phải làm, những việc doanh nghiệp tham gia. Chúng ta đã làm tốt kết nối với Trung ương, nhưng chính chúng ta đang chưa làm tốt việc kết nối giữa các ngành, giữa tỉnh với các địa phương. Do vậy, ngành thông tin và truyền thông phải đánh giá và đề xuất phương án kết nối mạng, tạo cơ sở dữ liệu liên thông, dùng chung, đảm bảo tính đồng bộ; trong đó làm rõ vai trò, nhiệm vụ kết nối của từng cơ quan, địa phương. Bằng mọi giá phải đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu của tỉnh; đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT ở cấp xã.
Thường xuyên cập nhật và đầu tư khai thác các phần mềm, trên tinh thần thuê của các tập đoàn công nghệ (Viettel, VNPT), trong đó tập trung vào dịch vụ công trực tuyến. Xây dựng đô thị thông minh phải đi vào thực chất, đặc sắc và phát huy được hiệu quả, phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành của tỉnh.
Mở rộng mạng lưới truyền thanh IP tại các địa phương; tiếp tục ký kết hợp tác truyền thông và phát triển dịch vụ bưu chính, viễn thông.