Sản phẩm nông sản Lào Cai tham gia Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019.
Thời gian quan, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư cho nông sản Lào Cai. Công tác quảng bá được triển khai với nhiều hình thức đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia trưng bầy sản phẩm tại các lễ hội, hội chợ như: Lễ hội Đền Thượng, lễ hội Xuân, Hội chợ quốc tế Agroviet 2019;… Phối hợp với Hội Nông sản khai trương Khu trưng bầy, giới thiệu và bán sản phẩm nông sản an toàn tại chợ Kim Tân. Tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại điện tử cho các sản phẩm qua Sàn giao dịch Postmart.vn của Bưu điện Việt Nam. Tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại với các doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) và các thành viên Hội nông sản an toàn, Hội cá nước lạnh tỉnh Lào Cai nhằm giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc tạo sự đồng thuận trong phát triển sản xuất bền vững.
Trong quản lý chuỗi cung ứng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối sản xuất và tiêu dùng. Lào Cai đã xây dựng hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử với 60 doanh nghiệp, HTX được triển khai phần mềm nhận diện và truy xuất nguồn gốc với 248 dòng sản phẩm được gắn mã truy suất nguồn gốc (mã QRcode). Phát triển chuỗi sản phẩm đặc sản địa phương (Chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP) cũng được đẩy mạnh triển khai. Hiện tỉnh có 70 chuỗi sản phẩm được kiểm soát an toàn thông qua kết nối các chuỗi cung ứng. Lào Cai đã phát triển được 52 sản phẩm nông sản được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Hiệu quả từ việc xây dựng thành công chuỗi cung ứng các sản phẩm an toàn không chỉ giúp người tiêu dùng tiếp cận được với các sản phẩm sạch mà còn mang lại hiệu quả kinh tế, tăng sản lượng, giá trị và xây dựng thương hiệu cho mỗi sản phẩm nông sản của địa phương từng bước vươn ra thị trường trong và ngoài nước.
Các sản phẩm nông sản Lào Cai thu hút được người tiêu dùng quan tâm.
Năm 2020, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạng lưới cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch bằng các giải pháp thu hút tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX tham gia đầu tư, xây dựng. Với việc nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết trong sản xuất và tiêu thụ được ban hành, nên ngày càng nhiều chuỗi giá trị nông sản được hình thành. Tiêu biểu là liên kết với Công ty TNHH Biển Đông DHS – Hải Hậu, Nam Định xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến thịt gia súc tại huyện Bảo Thắng; liên kết với Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu – Ninh Bình xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm đóng hộp như chuối, dứa, ngô ngọt, rau củ, quả tại huyện Mường Khương; liên kết với Công ty cổ phần tập đoàn Long Hải sản xuất gắn với tiêu thụ củ Hoàng Sin Cô tại huyện Bát Xát và liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp thành viên thuộc Hiệp hội Nông sản sạch Nam Định hợp tác trong đào tạo nghề ươm tơ, tiêu thụ kén tằm; tiêu thụ và chế biến các loại rau, củ, quả.
Lào Cai hiện có 38 dự án do các doanh nghiệp đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, có sử dụng đất thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và chế biến nông lâm sản với tổng mức đầu tư 5.400 tỷ đồng. Tổng diện tích đất được sử dụng cho các dự án là gần 16.800 ha. Các dự án đã tạo việc làm và thu nhập cho trên 1.600 lao động. Tổng doanh thu hàng năm ước đạt 850 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 50 tỷ đồng. Ngoài ra, trên 10 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã được UBND tỉnh Lào Cai chấp thuận chủ trương cho nghiên cứu lập dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 500 tỷ đồng./.