Hơn 90% hộ dân ở thôn Nậm Tăm vẫn giữ được nghề nấu rượu men lá truyền thống. Bà con nơi đây cũng sẵn sàng giới thiệu quy trình nấu rượu men lá đến với du khách, như một trải nghiệm đặc biệt khi đến với Dần Thàng. Ông Phùng Xuân Quan, thôn Nậm Tăm, xã Dần Thàng, huyện Văn Bàn cho biết: “Du khách đến thì tôi có nuôi gà, lợn, rượu nếp, trong mùa măng thì có măng sặt, măng bói. Tôi rất mong chờ du khách đến đây để thưởng thức rượu của tôi. Tôi muốn nấu nhiều để du khách thưởng thức và từ đó có thu nhập”.
Với người Dao ở Dần Thàng, làm du lịch vẫn là một khái niệm tương đối mới mẻ. Tuy nhiên, bà con vẫn rất hào hứng với những ý tưởng làm du lịch đang dần được nhen nhóm. Mong muốn của họ là có cuộc sống tốt hơn và nét đẹp văn hoá của đồng bào cũng sẽ được biết đến nhiều hơn.
Dần Thàng hội tụ đủ nhiều yếu tố để xây dựng thành một khu du lịch nghỉ dưỡng và chữa lành, với hơn 200 ha ruộng bậc thang, 6 thác nước tự nhiên, khí hậu mát mẻ, bản sắc văn hoá đa dạng và ẩm thực phong phú, hấp dẫn. Tuy nhiên, bước khởi động để làm du lịch vẫn cần vượt qua nhiều khó khăn.
Ông Bàn Phúc Thanh, Chủ tịch UBND xã Dần Thàng, huyện Văn Bàn cho biết: “Cấp uỷ, chính quyền cũng rất là mong muốn doanh nghiệp quảng bá tiềm năng du lịch của xã Dần Thàng. Chúng tôi mong muốn của cấp uỷ, chính quyền sớm có quyết định quy hoạch tổng thể chung của xã Dần Thàng để hình thành du lịch trong thời gian tới”.
Mới đây, huyện Văn Bàn đã tổ chức Hội thảo khoa học Quy hoạch thị trấn du lịch Dần Thàng nhằm tìm hướng khai thác tiềm năng, phát triển du lịch tại nơi này trong thời gian tới. Nhiều ý kiến đã được đưa ra về quy hoạch kiến trúc, xây dựng, phát triển đô thị, du lịch, lữ hành… trên nguyên tắc bảo tồn kiến trúc cảnh quan, gìn giữ bản sắc văn hoá địa phương. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân Dần Thàng tin tưởng, kỳ vọng định hướng của huyện sẽ giúp khai thác được tiềm năng du lịch của địa phương, xây dựng Dần Thàng thành một điểm đến hấp dẫn.