Một góc Khu Công nghiệp Tằng Loỏng (Bảo Thắng).
Suốt chặng đường 70 năm phấn đấu với nhiều gian nan, thử thách, ngành Công thương Lào Cai đã có những đóng góp quan trọng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Giai đoạn 1951 – 1975 là chặng đường có nhiều dấu ấn lịch sử, ngành công nghiệp Lào Cai vừa phát triển kinh tế phục vụ 2 cuộc kháng chiến, vừa hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Giai đoạn 1976 đến 1991, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai được sắp xếp lại cho phù hợp với tình hình mới. Trên địa bàn có 11 cơ sở công nghiệp hoạt động hiệu quả, nhất là các cơ sở khai khoáng và chế biến thực phẩm. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, ngành công nghiệp đã khắc phục những khó khăn về nguyên, nhiên liệu, tiếp tục củng cố và duy trì sản xuất. Trong giai đoạn này, hệ thống tổ chức, bộ máy của ngành thương nghiệp Hoàng Liên Sơn thường xuyên thay đổi để phù hợp với nhiệm vụ của từng thời kỳ…
Bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986, ngành công nghiệp có sự điều chỉnh để thích nghi với cơ chế mới, áp dụng nhiều biện pháp quan trọng trong sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Ngày 1/10/1991, tỉnh Lào Cai được tái lập, cùng thời gian này, Sở Công nghiệp, Sở Thương mại và Du lịch Lào Cai cũng được thành lập, cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bắt tay ngay vào khắc phục khó khăn do lịch sử để lại, tập trung phát triển kinh tế – xã hội với một tinh thần quyết tâm cao độ.
Thực hiện Nghị định số 13 ngày 4/2/2008 của Chính phủ, ngày 25/3/2008, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 646 về việc hợp nhất Sở Công nghiệp và Sở Thương mại và Du lịch thành Sở Công thương Lào Cai. Ngày 1/4/2008, Sở Công thương Lào Cai chính thức ra mắt và đi vào hoạt động với mô hình tổ chức gồm 7 phòng chuyên môn và 2 đơn vị trực thuộc là Chi cục Quản lý thị trường, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp. Đến nay, tổ chức, bộ máy Sở Công thương có những thay đổi đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Sau 13 năm đi vào hoạt động, ngành Công thương Lào Cai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội các giai đoạn.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nằm tốp đầu trong cả nước, là lĩnh vực quan trọng đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh và trở thành trung tâm công nghiệp luyện kim và hóa chất của cả nước. Cơ cấu nội ngành phát triển theo hướng tích cực, trong đó tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 33,4% năm 2008 lên 68,46% năm 2020; tỷ trọng công nghiệp khai thác mỏ giảm từ 60% năm 2008 xuống 11,08% năm 2020.
Các khu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ quan trắc xử lý ô nhiễm môi trường. Tiềm năng phát triển thủy điện được khai thác hợp lý, đến nay, toàn tỉnh có 67 dự án thủy điện đi vào hoạt động với tổng công suất 1.063 MW. Thực hiện đưa điện lưới quốc gia tới 100% xã, phường, thị trấn và 97% hộ được sử dụng điện.
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 đạt 37.050 tỷ đồng, vượt hơn 10 % mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 15%/năm. Giải quyết việc làm cho hơn 21 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân hơn 5,5 triệu đồng/người/tháng (cao gần gấp đôi thu nhập bình quân chung toàn tỉnh).
Chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp của tỉnh được triển khai hiệu quả, đã tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và khách du lịch, giải quyết nhiều việc làm.
Về phát triển thương mại, dịch vụ và hoạt động xuất – nhập khẩu, tỉnh đã phát huy tối đa lợi thế về kinh tế cửa khẩu và vị trí trung tâm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và là “cầu nối” của Việt Nam với Trung Quốc và Việt Nam với thị trường tự do ASEAN – Trung Quốc.
Kinh tế cửa khẩu tiếp tục khẳng định vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế chiếm trên 80%. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2015 – 2019 trung bình đạt 23%.
Thương mại nội địa phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Toàn tỉnh có 74 chợ, 1 trung tâm thương mại, 13 siêu thị, hàng trăm cửa hàng tiện ích, 83 cửa hàng xăng dầu, 170 cửa hàng gas và 20.000 cửa hàng kinh doanh thương mại. Việc cung ứng mặt hàng thiết yếu và thu mua nông sản luôn được duy trì, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá và thực hiện tốt công tác điều tiết, bình ổn thị trường.
Thủy điện được khai thác hợp lý, tạo nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Công tác xúc tiến thương mại được chú trọng thông qua việc nâng cao chất lượng công tác phối hợp tổ chức luân phiên Hội chợ thương mại quốc tế Việt – Trung; triển khai nhiều hoạt động kết nối xuất – nhập khẩu hàng hóa; phát huy hiệu quả của sàn giao dịch thương mại điện tử và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Công tác quản lý thị trường luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, giữ ổn định thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Quy hoạch mở rộng khu kinh tế cửa khẩu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công tác quy hoạch chi tiết, đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu được quan tâm triển khai. Công tác quản lý nhà nước về xuất – nhập khẩu được chú trọng, trong đó tập trung vào tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và thủ tục hành chính tại cửa khẩu được giải quyết nhanh gọn, thông thoáng nhằm đẩy mạnh thông quan hàng hóa. Loại hình kinh doanh phong phú đa dạng, trong đó một số dịch vụ phát triển nhanh như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, giám định hàng hóa, tạm nhập, tái xuất, logistics.
Trong 35 năm thực hiện đường lối đổi mới và gần 30 năm tái lập tỉnh Lào Cai, ngành Công thương đã đạt được những thành tựu quan trọng. Toàn ngành hiện đóng góp trên 70% tổng GRDP cả tỉnh, trên 60% số thu ngân sách Nhà nước hằng năm và đang cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế như năng lượng điện, khoáng sản, xăng dầu, khí đốt, thép, hóa chất, phân bón, sản phẩm cơ khí… phục vụ tiêu dùng. Hoạt động thương mại và dịch vụ không ngừng phát triển, mạng lưới phân phối được mở rộng, tạo kênh lưu thông hàng hóa từ thành thị đến vùng cao, nhiều mô hình phân phối văn minh, hiện đại được triển khai phục vụ người tiêu dùng.
Với những kết quả đạt được trong nhiều năm qua, Sở Công nghiệp, Sở Thương mại và Du lịch trước đây, nay là Sở Công thương và các doanh nghiệp, cá nhân trong ngành đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác của các cấp, các ngành trao tặng.
Tự hào, kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển, trong thời gian tới, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công thương Lào Cai luôn đoàn kết, tiếp tục đổi mới và sáng tạo, quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 với mục tiêu công nghiệp là trụ cột quan trọng và thương mại – du lịch, dịch vụ là đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Hoàng Chí Hiền, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương.