Đồng chí Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cho biết: Ngành nông nghiệp triển khai thực hiện nhiệm vụ của năm trong điều kiện rất khó khăn và nhiều thách thức. Đó là, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời tiết, thiên tai khó lường và giá vật tư đầu vào ngành nông nghiệp tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của ngành nông nghiệp cùng các địa phương và nông dân, nên các chỉ tiêu cơ bản đã hoàn thành và đạt, vượt mức kế hoạch giao, đặc biệt, công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước về lĩnh vực nông – lâm nghiệp được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Ngành nông nghiệp khẳng định vai trò trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng của ngành đạt trên 5%; giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác đạt 85 triệu đồng, đạt 101,2% so với kế hoạch, tăng 6,1% (4,9 triệu đồng) so với năm 2020; giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 7.047 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục chuyển biến tích cực, nông nghiệp giảm còn 79%, lâm nghiệp tăng 16%, thủy sản 5%.
Nông dân Bảo Thắng thu nhập cao từ trồng cây ăn quả. |
Ngành trồng trọt vẫn được xác định là ngành kinh tế quan trọng để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất. Các cây trồng chủ lực hàng hóa, cây trồng tiềm năng được quan tâm chỉ đạo, diện tích, sản lượng, giá trị từng bước nâng lên, như vùng sản xuất cây dược liệu tập trung hằng năm đạt hơn 600 ha, chủ yếu tại Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát; vùng sản xuất chè hơn 6.000 ha, tập trung chủ yếu tại Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà; vùng dứa 1.200 ha, vùng chuối hơn 3.500 ha tập trung chủ yếu tại Mường Khương, Bảo Thắng, Bát Xát; vùng quế hơn 40.000 ha, tập trung chủ yếu tại Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn… Đã hình thành các liên kết sản xuất theo hình thức liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với người dân; thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Một trong những liên kết phổ biến trên địa bàn tỉnh là liên kết hợp tác với người sử dụng đất, đây là hình thức tập trung đất thông qua việc nông dân tự sản xuất và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hoặc tự nguyện góp đất cùng tổ chức sản xuất, kinh doanh và cùng hưởng lợi thành quả sản xuất. Những mô hình tiêu biểu thành công trong hình thức liên kết sản xuất với người dân phải kể đến như mô hình của Hợp tác xã Nông nghiệp Mai Anh (Sa Pa) liên kết sản xuất 60 ha rau với 260 hộ tham gia; mô hình góp đất cùng tổ chức sản xuất của Công ty TNHH Một thành viên Hoàng Bằng (Bát Xát) liên kết với 150 hộ trồng 510 ha chuối…
Diện tích trồng cây ăn quả ôn đới trên địa bàn tỉnh được phát triển, mở rộng với hơn 3.570 ha và tổng sản lượng đạt 3.159 tấn, giá trị gần 100 tỷ đồng/năm.
Diện tích lúa tiếp tục có sự chuyển biến về cơ cấu giống, các giống lúa thuần chất lượng, giá trị cao được đưa vào sản xuất chiếm 70%, giống lúa lai chiếm 25%, còn lại là nhóm giống lúa khác. Nổi bật, duy trì diện tích cánh đồng một giống với 9.800 ha, năng suất bình quân cả năm đạt 63,2 tạ/ha, cao hơn so với sản xuất đại trà 9,7 tạ/ha. Giống ngô lai đưa vào gieo trồng chiếm 95% tổng diện tích, năng suất bình quân đạt 42,48 tạ/ha.
Cây trồng vụ đông được mở rộng diện tích và đi vào sản xuất các loại cây trồng theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng trên 1 ha thông qua liên kết sản xuất, thị trường tiêu thụ. Diện tích trồng đạt hơn 4.800 ha, tăng 20% so với kế hoạch. Nhiều mô hình sản xuất được người dân triển khai mang lại giá trị kinh tế cao, tăng 1,5 lần sản xuất rau thông thường như mô hình rau cải xoăn kale tại Bắc Hà, mô hình trồng rau (bắp cải, su hào, cà chua, súp lơ) tại thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai; mô hình trồng ngô ngọt, hoa tại huyện Bảo Thắng…
Lĩnh vực chăn nuôi phát triển ổn định nhờ thực hiện hiệu quả biện pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh. Toàn tỉnh có 333 trang trại chăn nuôi, trong đó 211 trang trại quy mô nhỏ, 117 trang trại quy mô vừa, 5 trang trại quy mô lớn. Hiện có 140 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí kinh tế trang trại có giá trị sản xuất đạt từ 2 tỷ đồng/năm trở lên; 25 cơ sở chăn nuôi lợn đực giống (chủ yếu là lợn ngoại) khai thác, truyền tinh nhân tạo; 10 cơ sở chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Bảo Thắng, Bắc Hà; 2 chuỗi sản phẩm chăn nuôi. Trên địa bàn tỉnh còn một số cơ sở, trang trại chăn nuôi đang chuyển đổi sang chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học.
Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, trọng tâm là bảo vệ rừng và trồng rừng mới gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp đạt nhiều kết quả. Người dân các địa phương trong tỉnh trồng hơn 10.000 ha rừng, đạt 106,1% so với kế hoạch; bảo vệ 276.702 ha rừng và khoanh nuôi tái sinh 5.000 ha rừng.
Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, toàn tỉnh có 62 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 49% tổng số xã trên địa bàn. Huyện Bảo Thắng được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt nông thôn mới trong năm 2021.
Cùng với những kết quả nổi bật trên, trong năm, ngành nông nghiệp Lào Cai đón nhận tin vui: Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 10 ngày 26/8/2021 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, giá trị sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực chiếm khoảng 65% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị như vùng sản xuất chè tập trung trên 10.000 ha, cây dược liệu 5.000 ha, cây chuối 5.000 ha, cây dứa 3.000 ha, cây quế 66.000 ha; tổng đàn lợn đạt khoảng 1.000.000 con, duy trì ổn định vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung 112.000 ha.
Theo đồng chí Đỗ Văn Duy, để đạt được mục tiêu trên, cần khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Trong đó, tập trung phát triển 6 ngành hàng chủ lực (sản xuất chè, dược liệu, cây chuối, cây dứa, chăn nuôi lợn, cây quế), phát triển kinh tế đồi rừng và ngành hàng tiềm năng địa phương có giá trị cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Gắn vùng nguyên liệu với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp xây dựng các nhà máy, cơ sở chế biến sâu nông – lâm sản để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Trước mắt, cần tập trung thực hiện hiệu quả 5 nội dung đột phá, bao gồm: Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị, để phát triển sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức, dịch vụ sản xuất gắn với chế biến, liên kết sản xuất; thực hiện giao đất, giao rừng, quy chủ rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp; đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới.
Với kết quả đạt được năm qua cộng với Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai được ban hành, triển khai, chắc chắn sẽ tạo sức bật mới cho nông nghiệp không chỉ trong năm 2022 mà còn trong cả những giai đoạn tới đây, góp phần đưa vị thế của ngành nông nghiệp Lào Cai vươn lên tầm cao mới, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.