Lào Cai là điểm trung chuyển giao thương quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh (Việt Nam), điểm kết nối Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc.
Lào Cai đang đẩy mạnh xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu thành trung tâm logistics quan trọng của cả nước. |
Giai đoạn 1992 – 2021, trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương, tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã ký kết 23 biên bản, thỏa thuận hợp tác kinh tế và an ninh biên giới. Cùng với đó, giao lưu và tiếp xúc cấp cao 2 địa phương được duy trì thường xuyên bằng nhiều hình thức linh hoạt, góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện, là định hướng chiến lược nền tảng, lâu dài cho sự phát triển.
Bước sang giai đoạn 2001 – 2011, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai” là thời kỳ Lào Cai củng cố vị thế cửa ngõ giao thương. Trong đó, kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai, đặc biệt tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai và Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành ngày càng hoàn thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ, du lịch và hoạt động xuất – nhập khẩu hàng hóa. Lào Cai hoàn thành việc di dời khu hành chính về Khu đô thị mới Lào Cai – Cam Đường để tạo cơ hội vàng cho khu đô thị cũ phát triển dịch vụ, du lịch. Trong giai đoạn này, kinh tế cửa khẩu trở thành động lực chủ yếu cho phát triển thương mại, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Giai đoạn 2001 – 2011, tổng giá trị xuất – nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của Lào Cai đạt hơn 4 tỷ USD. Lào Cai đã khẳng định vai trò “cầu nối” giữa các địa phương trong nước, các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc.
Lực lượng chức năng kiểm soát phương tiện chở hàng nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành. |
Ông Phan Trung Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Giai đoạn từ năm 2011 đến nay là giai đoạn kinh tế cửa khẩu có sự bứt phá mạnh mẽ nhất. Lào Cai đã tận dụng thành công những lợi thế để xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai là “hạt nhân”, trung tâm kết nối giao thương. Trước hết là tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai được đưa vào sử dụng năm 2014, rút ngắn khoảng cách và thời gian lưu thông hàng hóa trên tuyến hành lang kinh tế. Sau khi Khu Kinh tế cửa khẩu được Chính phủ phê duyệt, Lào Cai đã tập trung đầu tư xây dựng Cảng cạn (ICD) bên Ga đường sắt Lào Cai; Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy xuất – nhập khẩu hàng hóa chính ngạch. Lào Cai cũng mở rộng loại hình dịch vụ cửa khẩu như tài chính, ngân hàng, tạm nhập tái xuất, logistics… Kết quả từ năm 2010 đến năm 2020, giá trị xuất – nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, mức tăng bình quân 20%/năm, đến năm 2019 đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 4,4 lần so với năm 2010.
2 năm qua, do tác động của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất – nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ cửa khẩu, tuy nhiên Lào Cai đã có nhiều cách làm sáng tạo, thích ứng với những khó khăn phát sinh trong vận hành Khu Kinh tế cửa khẩu, được phía bạn Trung Quốc đồng thuận cùng thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng dịch, vừa duy trì lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu”. Bên cạnh đó, để các hoạt động xuất – nhập khẩu hàng hóa thuận lợi, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trong Khu Kinh tế cửa khẩu cơ cấu lại việc tổ chức hoạt động xuất – nhập khẩu, đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút doanh nghiệp logistics.
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Đức Thuận, Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh cho biết: Từ năm 2020 đến nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do kinh tế thế giới và khu vực bị tác động bởi đại dịch Covid-19, chiến sự tại Ukraina và nhất là khi tuyến đường sắt liên vận quốc tế Thái Lan – Lào với Côn Minh (Trung Quốc) đưa vào vận hành đã tạo ra những thách thức rất lớn đến hoạt động kết nối giao thương giữa Côn Minh và Lào Cai. Tuy nhiên, với những giải pháp đồng bộ của tỉnh, kinh tế cửa khẩu của Lào Cai vẫn có bước chuyển mới, với hơn 430 tổ chức, doanh nghiệp thường xuyên hoạt động xuất – nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai; kim ngạch xuất – nhập khẩu vẫn đạt 1,158 tỷ USD.
Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành – động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh. |
Bước vào giai đoạn mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định kinh tế cửa khẩu là một trong những lĩnh vực đột phá. Đặc biệt, năm 2020, khi Thủ tướng Chính phủ lựa chọn Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai là khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển, tỉnh Lào Cai đã xây dựng Đề án phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu hình thành một không gian kinh tế tổng hợp, có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, là hạt nhân kinh tế, tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh và trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, hợp tác giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường Tây Nam Trung Quốc, phấn đấu đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đạt 50 tỷ USD.
Phát huy thành tựu hơn 3 thập niên qua trong phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu, tỉnh Lào Cai đã tạo dựng được vị thế là cầu nối trên tuyến hành lang kinh tế lớn của đất nước. Trong giai đoạn mới, với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Trung du, miền núi phía Bắc, Lào Cai đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu thành trung tâm logistics quan trọng của cả nước, là cửa ngõ giao thương năng động của vùng Tây Bắc, là “hạt nhân” kết nối giao thương trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh (Việt Nam) để Lào Cai xứng với vai trò là đầu tàu kinh tế của vùng Tây Bắc.