Năm 2021, Lào Cai phấn đấu tăng trưởng kinh tế trên 10%.
3 kịch bản tăng trưởng
Để linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành với việc dự báo các tác động của dịch Covid-19 trong tình hình mới, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Cục Thống kê tỉnh và các sở, ngành liên quan dự kiến 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2021.
Kịch bản 1: Dịch Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 1/2021 được khống chế trong tháng 2/2021; đến quý II/2021 bắt đầu mở cửa giao thương với một số quốc gia, nhất là với phía Vân Nam (Trung Quốc); các ngành kinh tế phục hồi, đặc biệt là ngành dịch vụ phục hồi nhanh với tốc độ tăng trưởng cao. Kịch bản 2: Dịch Covid-19 được không chế trong khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4/2021, các ngành kinh tế được phục hồi, dịch vụ du lịch khai thác khách nội địa, ngành dịch vụ chỉ phục hồi ở mức độ trung bình. Kịch bản 3: Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, cuối quý II mới được khống chế, các ngành kinh tế phục hồi chậm với mức tăng trưởng thấp.
Qua phân tích, đánh giá, các chuyên gia nghiêng về kịch bản 2, nếu dịch tiếp tục được kiểm soát như hiện nay thì kịch bản này là hoàn toàn phù hợp. Theo đó, đối với ngành nông nghiệp, về cơ bản dịch bệnh không ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển sản xuất, dự kiến tốc độ tăng trưởng vẫn đạt mục tiêu như đã đề ra (4,87%). Hiện nay, một số sản phẩm có thế mạnh của Lào Cai như chè, quế, chuối, dứa, ngoài việc cung cấp cho thị trường nội địa còn xuất khẩu sang một số nước như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước Trung Đông. Dưới tác động của dịch bệnh, một số doanh nghiệp đã chuyển hướng tiêu thụ tại thị trường trong nước nhằm giảm chi phí lưu kho, giảm thiệt hại. Nếu quý II/2021 bắt đầu mở cửa giao thương với một số quốc gia, nhất là với phía Vân Nam (Trung Quốc) thì việc tiêu thụ các nông sản truyền thống thuận lợi hơn…
Trong khi đó, sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tiếp tục duy trì với năng lực hiện có. Nhà nước tiếp tục bảo hộ sản xuất trong nước đối với sản phẩm thép, phân bón và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất DAP, gang thép; phốt pho vàng đã có thị trường tiêu thụ, giá bán tăng kéo theo nhu cầu về quặng apatit tăng; tuyển đồng đã có giải pháp đảm bảo sản xuất liên tục. Ngoài ra sẽ có thêm một số nhà máy như Luyện đồng Bản Qua, Nhà máy Graphit Nậm Thi, phốt pho đỏ và các nhà máy thủy điện hoàn thành, đi vào hoạt động theo đúng dự kiến. Với sự tăng trưởng ổn định, ngành công nghiệp được kỳ vọng tiếp tục trở thành trụ đỡ của nền kinh tế.
Đối với ngành xây dựng, dịch Covid-19 được kiểm soát, các dự án triển khai theo đúng tiến độ. Ngoài ra, các dự án trì hoãn từ năm 2020 do dịch bệnh cũng được khởi công và đẩy nhanh tiến độ. Tăng trưởng ngành xây dựng dự kiến đạt trên 12%.
Từ quý II/2021, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả tại cả 2 nước Việt Nam và Trung Quốc, hoạt động giao thương 2 bên Cửa khẩu Lào Cai – Hà Khẩu từng bước phục hồi như giai đoạn trước dịch bệnh. Về du lịch, với chủ trương tập trung khai thác, kích cầu thu hút khách nội địa, lượng khách đến địa bàn ước đạt 5 triệu lượt, tăng 2 đến 2,2 lần so với năm 2020.
Trên công trường thi công Nhà máy thủy điện Bảo Nhai 2.
Tập trung khôi phục sản xuất
Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 trên 10%, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung hỗ trợ khôi phục sản xuất, thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng.
Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển các chuỗi sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP theo nhu cầu thị trường. Định hướng, khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh, coi trọng phát triển thị trường nội tỉnh, nhất là các khu du lịch, đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư lớn. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, giãn nợ, vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi để duy trì sản xuất và phục hồi kinh doanh sau khi dịch được kiểm soát…
Ngành công thương chủ trì tham mưu tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đồng thời đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm; tiếp tục duy trì sản xuất các sản phẩm công nghiệp chế biến, trong đó ngành hóa chất, phân bón tăng từ 15% đến 18%. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác với các địa phương trong nước và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong lĩnh vực sản xuất, chế biến khoáng sản, chế biến nông – lâm sản, thủy điện, giao thông, hạ tầng du lịch, dịch vụ, thương mại. Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất – nhập khẩu, đảm bảo giá trị hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn đạt 4,6 tỷ USD theo kế hoạch.
Ngành xây dựng đảm bảo huy động tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt 44.500 tỷ đồng, trong đó tận dụng tối đa các gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, kích thích tăng trưởng; tổ chức triển khai xây dựng các công trình trọng điểm, đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án.
Ngành du lịch phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai các chương trình kích cầu, tạo hiệu ứng lan tỏa thu hút khách du lịch. Thực hiện xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của Lào Cai…
Năm 2020, cũng nhờ xây dựng kịch bản tăng trưởng đúng, tỉnh đã chủ động, linh hoạt trong điều chỉnh thực hiện mục tiêu, huy động nguồn lực, tập trung vào các ngành ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên kinh tế vẫn duy trì đà tăng trưởng. Với việc dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, các động lực tăng trưởng từng bước phục hồi là cơ sở để Lào Cai tin tưởng có thể đạt và vượt qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 10% trong năm 2021, từng bước hiện thực hóa mục tiêu của nhiệm kỳ 2020 – 2025 là đưa Lào Cai trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc.