Trong thời gian làm công an viên bản 2 Thâu của xã Xuân Thượng (huyện Bảo Yên), ông Hoàng Quốc Yên (sinh năm 1978) đã bị thương khi tham gia ngăn chặn vụ xô xát nghiêm trọng trên địa bàn. Sau khi bị thương, do không đủ sức khỏe nên ông Yên làm đơn xin nghỉ công tác. Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh kết luận ông bị suy giảm 21% khả năng lao động do thương tật. Sau khi làm đơn đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, ông Yên được hưởng chế độ, chính sách đối với công an xã bị thương khi làm nhiệm vụ với mức hỗ trợ 1,021 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, theo quy định, ông tiếp tục được truy lĩnh tiền trợ cấp trong khoảng thời gian từ khi bị thương đến khi làm đơn đề nghị là hơn 33 triệu đồng.
Đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Bắc (thôn Đông Căm, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương). |
Một trường hợp khác là bà Trương Thị Lý (sinh năm 1961), trú tại xã Bản Qua (huyện Bát Xát), từng tham gia Đội Thanh niên xung phong – chiến sỹ tự vệ huyện Bát Xát (tháng 12/1979). Đến tháng 9/1981, bà Lý trở về địa phương sinh sống và làm việc. Theo quy định của Nhà nước, bà Trương Thị Lý là người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, được hưởng trợ cấp 1 lần với số tiền 2,5 triệu đồng. Cùng thời điểm đó, toàn tỉnh có 19 người thuộc các huyện Bát Xát, Bảo Yên, Bắc Hà và Mường Khương từng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, giúp nước bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc (theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) đều được hưởng trợ cấp 1 lần với tổng số tiền 67,5 triệu đồng.
Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, Lào Cai đã chi trả trợ cấp 1 lần cho hơn 100 người từng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; giải quyết chế độ thờ cúng liệt sỹ cho hơn 100 thân nhân liệt sỹ; chế độ mai táng phí cho gần 600 trường hợp; đính chính thông tin trong 86 hồ sơ người có công; tiếp nhận và di chuyển 89 hồ sơ người có công theo đúng quy định. Chế độ ưu đãi giáo dục cho con của người có công với cách mạng luôn được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Cùng với giải quyết tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, việc giải quyết hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng cũng đạt kết quả quan trọng dù trong quá trình giải quyết gặp nhiều khó khăn do nhiều người có công không còn hồ sơ, không còn giấy tờ gốc, không còn người giao nhiệm vụ và người làm chứng.
Lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thường xuyên thăm, tặng quà người có công trên địa bàn tỉnh. |
Bà Nguyễn Thị Thanh Minh, Trưởng Phòng Người có công (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Để việc giải quyết hồ sơ còn tồn đọng được thực hiện đúng quy định, bảo đảm đúng người, đúng việc, đúng chính sách, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng. Quá trình giải quyết, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các cấp, các ngành và các địa phương rà soát, nghiên cứu từng hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sỹ, thương binh…
Trong năm qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và trình UBND tỉnh công nhận mới cho hơn 20 người có công, thân nhân người có công hưởng trợ cấp hằng tháng. Nhờ đó, Lào Cai hiện không còn tồn đọng hồ sơ giải quyết chế độ người có công. Đó là những kết quả cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền và cơ quan chức năng của tỉnh trong việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công trong thời gian qua.
Giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho người có công và thân nhân của họ, đồng thời không để tồn đọng hồ sơ người có công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của chính quyền và ngành chức năng tỉnh Lào Cai. Qua đó, thể hiện trách nhiệm, bày tỏ lòng biết ơn, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.