Thực hiện chủ trương “hòa để tiến” của Trung ương Đảng, tháng 10/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ và Kỳ bộ Việt Minh cử đoàn cán bộ lên Lào Cai làm nhiệm vụ xúc tiến việc xây dựng chính quyền và thành lập các tổ chức đoàn thể quần chúng cứu quốc. Đúng vào thời điểm phức tạp ấy, ngày 18/1/1945, Bác Hồ viết thư gửi đồng bào và chiến sỹ Lào Cai, thể hiện sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc và động viên, tin tưởng của Người. Lá thư của Bác như lời hiệu triệu Nhân dân Lào Cai đứng lên đấu tranh.
Cầu Cốc Lếu qua sông Hồng trước năm 1945. |
Trong thời gian dưới ách kìm kẹp của Quốc dân đảng, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là vùng có cán bộ hoạt động vẫn giữ được lòng tin với Đảng, với cách mạng.
Do sự phát triển của phong trào cách mạng ở Lào Cai, nhiều tổ chức yêu nước theo xu hướng Việt Minh đã được hình thành. Theo quyết định của Xứ ủy Bắc Kỳ, đầu tháng 9/1946, Ban Cán sự Đảng tỉnh Lào Cai được thành lập, đồng chí Ngô Minh Loan làm Trưởng ban, 2 đồng chí: Đào Đình Bảng, Lê Thanh làm Ủy viên. Việc thành lập Ban Cán sự Đảng tỉnh Lào Cai đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng của Lào Cai, từ đây lãnh đạo quần chúng đứng lên đấu tranh giải phóng quê hương.
Từ ngày 26/10/1946, các cánh quân chủ lực của ta bắt đầu tiến công đánh bọn Quốc dân đảng ở Phố Lu (Bảo Thắng), sau đó quyết định tiến quân lên giải phóng thị xã Lào Cai và vùng ven với kế hoạch chia làm 2 bước: Bước 1, đánh các trọng điểm của địch ở Cam Đường và Phố Mới; bước 2, giải phóng hoàn toàn thị xã Lào Cai.
Ngày 12/11/1946 là ngày đi vào lịch sử của tỉnh Lào Cai như một mốc son quan trọng – ngày giải phóng Lào Cai lần thứ nhất.
Để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng bộ tỉnh, tháng 1/1947, Khu ủy quyết định thành lập Tỉnh ủy Lào Cai lâm thời thay cho Ban Cán sự Đảng trước đây để đảm đương nhiệm vụ lãnh đạocách mạng trong giai đoạn mới.
Ngày 5/3/1947, Hội nghị toàn thể đảng viên tỉnh Lào Cai được triệu tập. Tại hội nghị này đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chính thức gồm 7 Ủy viên. Đồng chí Lê Thành (tức Lê Khánh hay Vũ Thường Cao) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Hội nghị Đảng bộ đã chỉ rõ 2 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian này là: Tập trung củng cố chính quyền và tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang. Hội nghị có ý nghĩa như một đại hội thành lập Đảng bộ của tỉnh Lào Cai. Với sự kiện này đã đánh dấu một bước tiến mới trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai.
Giao thương của cư dân biên giới Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) trước những năm 1990. |
Trung tuần tháng 12/1947, Chiến dịch Việt Bắc kết thúc, chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp bị phá sản, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài với ta. Đầu tháng 3/1948, Hội nghị Tỉnh ủy Lào Cai xác định nhiệm vụ trọng tâm thời kỳ này là: Đẩy mạnh công tác vùng địch hậu, tăng cường củng cố vùng tự do, huy động sức người, sức của phục vụ cho cuộc kháng chiến, phục vụ xây dựng căn cứ địa Tây Bắc. Sau hội nghị, một số cán bộ được phân công về hoạt động ở các vùng địch tạm chiếm xây dựng cơ sở kháng chiến và vận động quần chúng đấu tranh. Hình thức đấu tranh từ thấp đến cao, từ đấu tranh chính trị đến đấu tranh vũ trang, tiến tới thành lập các khu căn cứ du kích, thực hiện khẩu hiệu “biến hậu phương của địch thành tiền tuyến của ta”, tạo điều kiện tiến lên giải phóng Lào Cai.
Ngày 20/3/1948, thực hiện chủ trương của Liên khu 10, tỉnh Lào Cai thành lập “Ban xung phong quyết thắng” vào vùng địch kiểm soát hoạt động vận động quần chúng xây dựng cơ sở kháng chiến, thành lập các đội du kích. Ngày 2/4/1948, tại chân đèo Mận thuộc Làng Già (xã Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái), Tỉnh đội dân quân (tiền thân của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai ngày nay) được thành lập. Tiếp đó, các đội võ trang tuyên truyền được ra đời lên đường vào vùng địch phối hợp hoạt động với Ban xung phong Quyết thắng. Nhờ chủ trương, biện pháp đúng đắn, lại được đồng bào các dân tộc nhiệt tình hưởng ứng, chỉ sau một thời gian ngắn, cơ sở kháng chiến của ta đã phát triển mạnh ở nhiều nơi trong tỉnh…
Từ tháng 5 đến tháng 7/1949, bộ đội chủ lực của ta mở chiến dịch Sông Thao nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, làm tan đà khôi phục ngụy quân Thái trắng, phá vỡ phòng tuyến của địch kéo dài từ Nghĩa Lộ – Bảo Hà – Phố Ràng – Nghĩa Đô – Yên Bình, trong đó Phố Ràng là điểm quan trọng của chúng. Chiều ngày 24/6/1949, pháo binh của ta được lệnh nổ súng đánh chiếm đồn Phố Ràng. Sau 40 giờ chiến đấu liên tục, với ý chí kiên cường và dũng cảm, quân ta đã hạ được đồn Phố Ràng, làm chủ trận địa. Với chiến thắng này, ta đã đập tan một điểm phòng thủ trọng yếu trên phòng tuyến của địch, tạo thế và lực cho Chiến dịch Lê Hồng Phong tiến tới giải phóng Lào Cai.
Thành phố Lào Cai hôm nay. |
Đầu năm 1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị mở Chiến dịch Tây Bắc (Chiến dịch Lê Hồng Phong I) nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, làm tan rã khối ngụy binh, phá vỡ phòng tuyến Yên Bình – Bắc Hà – Nghĩa Đô, cô lập phân khu Lào Cai của địch, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng căn cứ Tây Bắc, khai thông đường liên lạc quốc tế.
Ngày 15/3/1950, Chiến dịch Lê Hồng Phong I kết thúc. Ta đã thu được thắng lợi lớn, tiêu diệt 470 tên địch, làm bị thương 230 tên, bắt sống 34 tên, ra hàng 157 tên; phá hủy và thu nhiều vũ khí của địch; giải phóng được 2.000 km2 với 6.000 dân. Chiến dịch này đã làm một bộ phận lớn ngụy quân tan rã, sa sút về tinh thần chiến đấu, ngụy quyền dao động, buộc bọn thổ ty ở Pha Long (Mường Khương) tuyên bố “trung lập”. Chiến dịch Lê Hồng Phong I thắng lợi đã tạo điều kiện thuận lợi để ta tiến lên giải phóng Lào Cai.
Tháng 6/1950, Trung ương Đảng chủ trương mở Chiến dịch Biên giới (mang tên Chiến dịch Lê Hồng Phong II) nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng vùng biên giới Việt – Trung, khai thông đường giao lưu quốc tế, mở rộng căn cứ Việt Bắc. Địa bàn tác chiến thuộc 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Lào Cai được chọn là hướng nghi binh.
Thực hiện khẩu hiệu “Dốc toàn lực lượng ra tiền tuyến để chiến thắng địch, tiến tới tổng phản công”, ngày 16/9/1950, màn II Chiến dịch Lê Hồng Phong được lệnh nổ súng. Tại hướng Lào Cai, ta đánh lui một trung đội lính dõng của địch tại huyện Bắc Hà. Mặc dù địch ngoan cố chống cự và bắn phá dữ dội nhưng ta vẫn khẩn trương bao vây áp sát thị trấn Bắc Hà bằng 2 mũi tấn công. Trước sức mạnh của quân ta, địch đã phải tháo chạy về Si Ma Cai. Ngày 20/9/1950, Bắc Hà được giải phóng. Ta tấn công lên Si Ma Cai, tiêu diệt 100 tên địch, bắt sống 106 tên, số còn lại chạy theo đường Pha Long về thị xã Lào Cai.
Vùng cao Lào Cai hôm nay đang đổi thay từng ngày. |
Ở huyện Bảo Thắng, ngày 25/10/1950, Tiểu đoàn 564 và Tiểu đoàn 115 của Trung đoàn 165 đánh địch tại Bản Phiệt. Địch chống cự không nổi phải rút về thị xã Lào Cai và dùng pháo binh, phi cơ để ngăn chặn sự tấn công của ta. Quân ta tổ chức đánh địch ở những điểm trọng yếu. Đến 20 giờ ngày 1/11/1950, thị xã Lào Cai sạch bóng quân thù.
Trên đà thắng lợi, Tiểu đoàn 542 của ta tiếp tục truy kích đánh địch rút chạy trên đường Lào Cai đi Sa Pa. Ngày 3/11/1950, ta giải phóng huyện Sa Pa. Đến ngày 19/11/1950, tại Lào Cai ta đã bức rút 63 vị trí, tiêu diệt 242 tên địch, gọi hàng và làm tan rã các đơn vị dõng ở Lào Cai (trừ Pha Long – Mường Khương), trước sức mạnh tấn công của ta, địch đã phải rút khỏi địa bàn tỉnh Lào Cai.
Chiến dịch Lê Hồng Phong II kết thúc thắng lợi, Lào Cai hoàn toàn giải phóng, mở ra một bước ngoặt trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Lào Cai, đồng thời phá tan âm mưu lập “Tỉnh Nùng”, “Tỉnh Thái” tự trị và ý đồ phong tỏa biên giới của thực dân Pháp. Thắng lợi đó còn thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ tỉnh Lào Cai và tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí của lực lượng vũ trang.