Bắt đầu từ tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất nhằm góp phần giải tỏa bớt áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Lãi suất điều hành tăng, kéo lãi suất huy động tăng. Việc này có lợi cho người gửi tiền, qua đó giúp hệ thống ngân hàng tiếp tục huy động được nguồn vốn, cải thiện thanh khoản, hệ thống ngân hàng có đủ vốn hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, lãi suất đầu vào tăng khiến lãi suất cho vay tăng, tác động tới khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Chính vì vậy, tại Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức cuối tháng 2/2023, hầu hết doanh nghiệp “than” vì lãi suất cho vay tăng. Bà Vũ Tuyết Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Ngọc cho rằng, lãi suất cho vay của các ngân hàng tăng khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức sản xuất, kinh doanh. Còn theo ông Bùi Đức Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Tiến Thành, các doanh nghiệp đang phải “gồng mình” để vượt qua những khó khăn hậu đại dịch Covid-19, lại tiếp tục phải đối mặt với lãi suất cho vay tăng, do vậy gần như hoạt động kinh doanh thương mại của doanh nghiệp không có lợi nhuận.
Trước những áp lực do lãi suất cho vay tăng, gây khó khăn cho khách hàng, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai đã có văn bản chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn chấp hành nghiêm quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đồng thuận áp dụng lãi suất huy động các kỳ hạn trên 6 tháng không vượt quá 9,5%/năm, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, các khoản chi phí không cần thiết để giảm lãi suất cho vay. Đặc biệt, ngày 14/3/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 313, có hiệu lực từ ngày 15/3 về việc điều chỉnh giảm từ 0,5% – 1%/năm đối với một số lãi suất điều hành và Quyết định 314 về tiếp tục giảm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên theo quy định của Chính phủ, giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm (của tổ chức tín dụng); giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm (của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô).
Theo đó, các ngân hàng thương mại trên địa bàn, nhất là nhóm “big four” đã chủ động giảm lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay. Từ ngày 6/3/2023, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Lào Cai (Vietcombank Lào Cai) đã giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2% – 0,5% các kỳ hạn, giữ mức lãi suất ở nhóm thấp nhất thị trường. Việc giảm lãi suất tiền gửi của Vietcombank Lào Cai đã giúp giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay. Trong tháng 3, lãi suất cho vay của Vietcombank Lào Cai đã giảm từ 0,2% – 0,4% tùy kỳ hạn và sản phẩm. “Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, Vietcombank định hướng duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân”, Giám đốc Vietcombank Lào Cai Đặng Việt Hùng nói.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Lào Cai (Agribank Lào Cai) đã thực hiện giảm 50 điểm % đối với lãi suất huy động. Từ ngày 20/3, Agribank Lào Cai đã giảm từ 7,5% xuống còn 5,5%/năm đối với lãi suất cho vay theo Nghị quyết 30 và Nghị định 31 của Chính phủ; giảm từ 9% xuống còn 8,5% đối với lãi suất cho vay ngắn hạn.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai, hiện mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn đã giảm bình quân từ 1% – 2%/năm so với cuối năm 2022. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến từ 8% – 9,5%/năm; lãi suất cho vay trung hạn từ 10,5% – 11,5%/năm.
Ngày 31/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra thông báo giảm lãi suất điều hành. Lãi suất điều hành mới có hiệu lực từ ngày 3/4. Các biện pháp hạ lãi suất điều hành nhằm mục đích để các ngân hàng giảm lãi suất huy động, từ đó, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế đẩy nhanh tăng trưởng.
Việc lãi suất cho vay “giảm nhiệt” đã giúp khách hàng “dễ thở” và thuận lợi tiếp cận vốn vay để tổ chức sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh khẳng định: Việc hạ lãi suất cho vay là giải pháp rất kịp thời, giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng lãi suất trong điều kiện sản xuất, kinh doanh phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục xem xét, điều chỉnh lãi suất điều hành, làm cơ sở để giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian tới, đồng thời cần có chính sách hỗ trợ, như khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản vay ngắn hạn để các doanh nghiệp có thêm thời gian tổ chức sản xuất, kinh doanh, nếu không, nguy cơ chuyển nhóm nợ rất cao, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận các khoản vay mới.