Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 2, thị trấn Nông trường Phong Hải (Bảo Thắng) đã gắn nội dung thi đua học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Thông qua các buổi sinh hoạt, chi hội tuyên truyền, vận động hội viên xây dựng gia đình theo tiêu chí “5 không”, “3 sạch”, đồng thời vận động hội viên giúp các gia đình khó khăn thực hiện 8 tiêu chí của cuộc vận động. Đến nay, chi hội đã thành lập, duy trì được mô hình tổ phụ nữ “5 không, 3 sạch” gồm 32 hộ, đây cũng là chi hội phụ nữ đầu tiên trên địa bàn thị trấn thực hiện trồng, chăm sóc đường hoa có chiều dài 1 km.
Chị Seo Thị Nhúc chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình với hội viên. |
Nhằm nâng cao các tiêu chí “nhà sạch, vườn đẹp”, chi hội đã lựa chọn gia đình hội viên Đỗ Thị Hoa để xây dựng mô hình “3 đẹp”. Bên cạnh đó, chi hội làm tốt công tác quản lý nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội, giúp 68 hộ được tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất. Đồng thời, chi hội vận động chị em tiết kiệm hằng tháng để có nguồn giúp hội viên khó khăn hoặc có nhu cầu được vay vốn không lấy lãi. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, chị em trong chi hội còn giúp nhau cây, con giống, bán vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi theo hình thức trả chậm. Bằng nhiều cách làm thiết thực, phù hợp thực tế, trong 5 năm qua, chi hội đã giúp được 23 gia đình hội viên phụ nữ thoát nghèo.
Chị Seo Thị Nhúc, Chi hội Phụ nữ thôn Đá Đinh, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai vinh dự là một trong những điển hình tiên tiến của tỉnh được lựa chọn tham dự Đại hội thi đua yêu nước Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lần thứ IV. Ngồi trong căn nhà khang trang vừa xây dựng, chị Nhúc kể lại quãng thời gian khó khăn khi chưa tìm được hướng phát triển kinh tế gia đình. Đó là thời điểm vợ chồng chị ra ở riêng, không có vốn, không kinh nghiệm sản xuất, thiếu thốn mọi bề, nhưng với tinh thần chịu khó, chị cùng gia đình đã cải tạo vườn, chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm và mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất. Sau nhiều năm gây dựng, đến nay, mô hình chăn nuôi tổng hợp mang về nguồn thu cho gia đình chị hơn 500 triệu đồng/năm. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Seo Thị Nhúc còn hỗ trợ các chị La Thị Hương, Seo Thị Sâm con giống, sức kéo để sản xuất…
Phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” được triển khai đa dạng nhằm thực hiện tiêu chí “không đói nghèo” trong thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Các cấp hội đã hỗ trợ phụ nữ vay vốn, tập huấn, phối hợp tuyên truyền, tư vấn học nghề và khai thác, sử dụng hiệu quả nhiều nguồn vốn. Từ phong trào đã xuất hiện cách làm mới của hội viên, như mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “2 – 3 phụ nữ giàu giúp 1 phụ nữ nghèo thoát nghèo”, “Cả chi, tổ hội phụ nữ giúp 1 hội viên phụ nữ nghèo”… Đến nay, đã có hơn 9.400 phụ nữ nghèo được các cấp hội, hội viên giúp đỡ với tổng trị giá hơn 11,7 tỷ đồng. Điển hình trong lĩnh vực này có thể kể đến chị Lừ Thị Kính (xã Xuân Giao) và chị Bùi Thị Hương (xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng), Phùng Thị Na (xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn)… đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên làm giàu.
Hội viên phụ nữ xã Quang Kim (Bát Xát) chăm sóc đường hoa. |
Phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, hội viên phụ nữ trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế phù hợp với yêu cầu của thị trường, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Từ phong trào phụ nữ khởi nghiệp, nhiều hội viên đã thành lập các hợp tác xã, tổ liên kết, cơ sở sản xuất… góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế. Tiêu biểu như chị Sùng Thị Lan, Giám đốc Hợp tác xã Mường Hoa, xã Tả Van, thị xã Sa Pa; chị Lê Thị Hồi, Giám đốc Hợp tác xã rau, củ, quả sấy, thị xã Sa Pa; chị Vũ Thị Sang kinh doanh bánh gai (xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên)…
Bà Hà Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh khẳng định: Khi triển khai các phong trào thi đua yêu nước, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã bám sát chủ đề, nội dung phong trào thi đua, cuộc vận động do Trung ương Hội, UBND tỉnh phát động, trọng tâm là thực hiện phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Theo đó, cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực thi đua tự học, tự rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn; tìm hiểu chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phụ nữ, trẻ em, kiến thức về chăm sóc và nuôi dạy con, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi… Giai đoạn 2015 – 2020, toàn tỉnh có 111 cán bộ hội các cấp được đi học đại học và trên đại học, có 5.548 lượt cán bộ được tập huấn nghiệp vụ công tác hội; 1.174 phụ nữ trong tỉnh được đào tạo nghề, 2.144 phụ nữ được xóa mù chữ…
Những kết quả đạt được trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước đã thể hiện sự nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo của tổ chức hội và hội viên cũng như khẳng định thêm vai trò của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực. Những tấm gương tập thể, cá nhân điển hình như những bông hoa đẹp, lan tỏa hương thơm cho cuộc sống tươi đẹp.