Cải cách thủ tục hành chính để hướng đến sự hài lòng của người dân. |
Quyết tâm giảm nghèo
Bắc Hà là 1 trong 4 huyện nghèo của tỉnh. Năm 2021, tỷ lệ nghèo đa chiều của huyện là 70,8% (trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm 51,7%). Nhờ sự vào cuộc và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm 8,78% (giảm 1.180 hộ).
Để giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Bắc Hà đã có nhiều sáng kiến, cách làm hay, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến triển khai thực hiện. Ngoài tập trung nguồn lực đầu tư cho 2 xã nghèo nhất của huyện, Huyện ủy đã phân công từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phụ trách từng xã, lấy đó làm tiêu chí đánh giá, chấm điểm cá nhân về kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Huyện Bắc Hà đã thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo. Riêng Nghị quyết 06 ngày 10/7/2019 của HĐND tỉnh về việc sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội để cho vay phát triển kinh tế – xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2019 – 2025, trong năm 2022, huyện Bắc Hà đã giải ngân cho vay hơn 12 tỷ đồng, tổng dư nợ từ năm 2019 đến nay đạt hơn 32 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số như chính sách về bảo hiểm y tế; chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đều được triển khai đầy đủ. 100% người nghèo, người cận nghèo có thẻ bảo hiểm y tế; gần 15.000 học sinh được hỗ trợ chi phí học tập; gần 7.500 học sinh được miễn học phí; tạo việc làm cho 1.400 lao động địa phương.
Công tác tuyên truyền về giảm nghèo được tiến hành với nhiều hình thức, nội dung đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo. Nhiều tấm gương, điển hình thoát nghèo vươn lên phát triển kinh tế đã tạo cảm hứng cho nhiều người học và làm theo.
Thi đua cải cách hành chính
Với quan điểm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ”, thời gian qua, Văn phòng UBND tỉnh rất chú trọng tham mưu, giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả nổi bật trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Để các TTHC được thực hiện thống nhất, đồng bộ, Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu hoàn thành chuẩn hóa toàn bộ dữ liệu bộ TTHC trên địa bàn. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 1.964 TTHC, đồng thời xây dựng được quy trình nội bộ, quy trình điện tử giải quyết của từng TTHC để rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ thời gian giải quyết. Bên cạnh đó, cắt giảm tối đa thời gian giải quyết TTHC so với quy định đối với 933/1.964 TTHC (47,5%), tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Năm 2022, toàn tỉnh có hơn 65.000 lượt hồ sơ thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết, tiết kiệm được gần 50 tỷ đồng.
Đặc biệt, việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” có nhiều đổi mới. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (hoạt động từ cuối năm 2020, là đầu mối tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC của các sở, ngành cấp tỉnh), bộ phận “một cửa” cấp huyện, cấp xã đã tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC đều được theo dõi, giám sát, đánh giá chặt chẽ, giảm tình trạng gây khó khăn, phiền hà, từ đó nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Cổng dịch vụ công của tỉnh tích hợp hệ thống “một cửa điện tử” được triển khai ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đã mang lại hiệu quả, giúp người dân, doanh nghiệp dễ tra cứu trạng thái hồ sơ TTHC, dễ thực hiện các giao dịch trực tuyến; kết nối Cổng dịch vụ công của tỉnh với ứng dụng Zalo để người dân tra cứu kết quả, trạng thái giải quyết hồ sơ TTHC được thuận tiện, nhanh chóng.
Ông Vàng Văn Sưởng được Hội Nông dân Việt Nam công nhận là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022. |
Phát huy trí tuệ, bản lĩnh nông dân Lào Cai
Là Giám đốc Hợp tác xã Mường Kim và cũng là Trưởng thôn Cửa Cải, xã Mường Vi (huyện Bát Xát), trong những năm qua, ông Vàng Văn Sưởng luôn thể hiện trách nhiệm cao trong công việc của hợp tác xã, của thôn. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Sưởng còn giúp nhiều hộ trên địa bàn xã thoát nghèo, góp phần xây dựng quê hương Bát Xát ngày càng giàu đẹp.
Ông Vàng Văn Sưởng cho biết: Việc trồng cây dược liệu đã giúp tôi và người dân xã Mường Vi nâng cao thu nhập, đời sống từng bước được cải thiện.
Ông Vàng Văn Sưởng là người đầu tiên ở xã Mường Vi trồng cây nghệ, gừng và sau đó giúp đỡ nhiều hộ khác về cây giống. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm cũng như năng suất và chất lượng sản phẩm, năm 2016, ông Sưởng thành lập Hợp tác xã Mường Kim, đầu tư trang – thiết bị, dây chuyền sản xuất, chế biến tinh dầu. Mỗi năm, Hợp tác xã Mường Kim sản xuất và tiêu thụ khoảng 20 tấn sản phẩm dược liệu các loại. Tổng doanh thu từ mô hình trồng, chế biến và kinh doanh dược liệu của Hợp tác xã Mường Kim đạt hơn 1,2 tỷ đồng/năm…
Trong năm 2022, ông Vàng Văn Sưởng đã liên kết với các hộ ở xã Mường Vi và các xã lân cận như Pa Cheo, Y Tý… trồng và chăm sóc 25 ha cây dược liệu (gừng, nghệ, mùi, bạc hà, sả…). Ông còn nhận tiêu thụ 500 tấn dược liệu cho bà con trong xã và các xã lân cận. Mô hình phát triển kinh tế của ông Sưởng đang tạo việc làm cho 30 – 40 lao động thời vụ trong thôn và 6 lao động có việc làm thường xuyên (trong đó 4 lao động thuộc hộ nghèo) với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Vàng Văn Sưởng đã vinh dự được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.