Sau nhiều nỗ lực của ngành công thương, chính quyền các địa phương và ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có sức lan tỏa sâu rộng, giúp thay đổi tích cực thói quen tiêu dùng hàng Việt Nam của đa số người dân trên địa bàn tỉnh. Người dân từ vùng thấp đến vùng cao Lào Cai ngày càng có xu hướng tiêu dùng thông thái, biết và ưu tiên lựa chọn những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng, được sản xuất trong nước phục vụ cuộc sống.
Người tiêu dùng xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa ưu tiên chọn lựa hàng Việt. |
Chị Lý Tả Mẩy, xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa) cho biết: Việc lựa chọn các loại hàng hóa trong nước, nguồn gốc rõ ràng trở thành thói quen mua sắm của người dân trong xã. Tôi luôn chọn sản phẩm của các thương hiệu lớn, thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng với giá cả hợp lý. Nếu để lựa chọn giữa một sản phẩm giá rẻ, ít phổ biến, nguồn gốc mập mờ với một sản phẩm nguồn gốc rõ ràng, giá cả không chênh lệch quá nhiều thì chắc chắn tôi sẽ lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Việc mua hàng Việt Nam bây giờ cũng rất thuận tiện bởi cửa hàng tạp hóa đã có tại các thôn, bản.
Bán hàng tạp hóa tại trung tâm xã Tả Phìn nhiều năm, chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ cửa hàng tạp hóa Hiền Hạnh chia sẻ: Người tiêu dùng vùng cao hiện nay rất thông thái trong lựa chọn các mặt hàng. Họ không còn tâm lý ham rẻ mà khá quan tâm đến nguồn gốc hàng hóa. Bởi vậy, nếu nhập hàng không có nguồn gốc rõ ràng sẽ rất khó tiêu thụ. 100% hàng tiêu dùng tại cửa hàng hiện nay là hàng Việt, được nhập trực tiếp từ Siêu thị Xuân Trường Sa Pa. Giá các mặt hàng có chênh lệch với hàng hóa các nhà phân phối dưới xuôi chào mời, nhưng người dân vẫn chấp nhận vì chất lượng đảm bảo.
Sự có mặt và chiếm lĩnh thị trường của hàng hóa chất lượng có xuất xứ trong nước không thể không kể đến vai trò của những nhà phân phối hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Họ là những đơn vị giữ vai trò cầu nối giữa nhà sản xuất với các hệ thống bán lẻ để hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Những nhà phân phối chính thức của các nhãn hàng đều có chiến lược để phát triển hệ thống, đưa hàng hóa thâm nhập sâu rộng đến các thôn, bản vùng cao, tăng tỷ lệ tiêu dùng hàng hóa của đơn vị mình.
Là nhà phân phối chiếm thị phần lớn tại địa bàn tỉnh, Công ty TNHH Sơn Lan Lào Cai (Công ty Sơn Lan) luôn có kế hoạch làm việc với đối tác trong cả năm để đảm bảo nguồn hàng hóa với giá cả ổn định. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty Sơn Lan cho biết: Chúng tôi kinh doanh theo hợp đồng với đối tác nên cam kết luôn bình ổn giá để đảm bảo hàng hóa tại thành phố Lào Cai và hàng hóa ở các huyện, thị xã cũng có giá phân phối tương đương nhau. Vì vậy, hàng hóa của chúng tôi có thể chiếm thị phần ngày càng cao ở vùng cao, vùng sâu. Xu hướng tiêu dùng hàng Việt thể hiện rõ qua sức tăng trưởng của các mặt hàng mà công ty phân phối tăng bình quân khoảng 10% – 20% mỗi năm.
Nói về hiệu quả của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh thời gian qua, ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương nhận định: Đây là cuộc vận động ý nghĩa, hiệu quả và có sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp thay đổi nhận thức cũng như thói quen dùng hàng Việt của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Được biết, để tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt trên thị trường nội địa, giúp Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào chiều sâu, Sở Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng Việt; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử; phối hợp các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc… nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận, góp phần bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng.