Theo Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai, trên địa bàn tỉnh hiện có có 17 nghề truyền thống, 10 làng nghề, 20 làng nghề truyền thống.
Sau 5 năm triển khai Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm gọi tắt là OCOP, tỉnh Lào Cai đã từng bước tạo thương hiệu cho nông sản địa phương, định danh nông sản, xây dựng chuỗi giá trị hướng đến đưa sản vật của tỉnh đến thị trường cả nước và xuất khẩu.
Đến nay, toàn tỉnh có 163 sản phẩm thuộc 81 chủ đề trên địa bàn 60 xã, phường, thị trấn được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 26 sản phẩm 4 sao, 144 sản phẩm 3 sao.
Trong đó, thị xã Sa Pa có 37 sản phẩm, thành phố Lào Cai có 8 sản phẩm, huyện Bát Xát 12 sản phẩm, huyện Mường Khương 14 sản phẩm, huyện Bắc Hà 12 sản phẩm, huyện Bảo Thắng 30 sản phẩm, huyện Bảo Yên 25 sản phẩm, huyện Văn Bàn 21 sản phẩm và huyện Si Ma Cai 4 sản phẩm
Các sản phẩm OCOP được hỗ trợ đưa lên các sàn thương mại điện tử như: laocaitrade.vn; xttmnongnghiep.laocai.gov.vn; lazada, shopee, voso, postmart.vn.
Năm 2023, tỉnh Lào Cai tiếp tục triển khai Chu trình OCOP thường niên; đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ phát triển sản phẩm; hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế; trao đổi kinh nghiệm, kết nối giao thương sản phẩm OCOP; hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP để đạt được 10 mục tiêu đề ra.
Trong đó, tỉnh phấn đấu có thêm ít nhất 30 sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của các huyện, thị xã, thành phố được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên.
Tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa của địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.
Đánh giá lại các sản phẩm OCOP hết thời hạn 36 tháng theo quy định.
Tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.
Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 60% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 20% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Có thêm ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.
Có thêm ít nhất 4% số làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.
Phạm Ngọc Triển