2 cây này vừa được UBND huyện Văn Bàn – tỉnh Lào Cai tổ chức đón danh hiệu Cây di sản Việt Nam do Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận.
Theo Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, 2 cây Bách tán Đài Loan được công nhận Cây Di sản Việt Nam nằm tại khu vực Thác Đá, Lô 11, Khoảnh 8, Tiểu khu 529 (thuộc địa giới hành chính xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.
Cây Bách tán Đài loan cũng là cây đầu tiên nằm trong danh lục Cây Di sản Việt Nam.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trao Quyết định cùng Bằng công nhận Cây Di sản cho lãnh đạo huyện Văn Bàn và Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn.
Theo các nhà thực vật học Việt Nam, loài cây bách tán Đài Loan kín (Taiwwaniacryptomerioides ) và thuộc họ Hoàng Đàn ( Cupressaceae ), cây có tuổi thọ tới 1.000 năm.
Trên thế giới cây mọc tự nhiên và phân bố từ Mi an ma đến vùng phía nam Trung Quốc. Những cây bách tán Đài Loan đầu tiên tại Việt Nam đã được các nhà khoa học điều tra, phát hiện tháng 10 năm 2001 tại độ cao hơn 2.000 mét trong rừng quốc gia Hoàng Liên Văn Bàn nằm trên địa bàn xã LIêm Phú, huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai).
Bách tán Đài Loan là loài cây gỗ thường xanh,gốc cây to,cây cao hơn 30 mét, đường kính thân cây đến hơn 1 mét…Gỗ cây bách tán Đài Loan là loại đặc biệt quý hiếm làm đồ thủ công mỹ nghệ, gỗ để được lâu và có giá trị thương mại cao.
Bách tán Đài Loan ở rừng quốc gia Hoàng Liên (Văn Bàn) đang có nguy cơ tuyệt chủng và được xếp vào nhóm 1A nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Khu bảo tồn Hoàng Liên Văn Bàn tiếp giáp với Vườn quốc gia Hoàng Liên Sa Pa có tổng diện tích tự nhiên 24.938,8 héc ta nằm trên địa bàn xã Nậm Xé, Nậm Xây và một phần diện tích xã Liêm Phú ( huyện Văn Bàn).
Đây là vùng rừng nguyên sinh nằm trên các sườn núi cao từ 800- 1.900 m, nhiều nơi chưa có dấu chân người. Hệ động vật trong Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn rất đa dạng về thành phần loài đặc trưng cho khu hệ động vật rừng vùng Tây bắc Việt Nam. Tại đây đã phát hiện có 486 loài động vật thuộc 89 họ và 27 bộ, trong đó lớp thú có 60 loài, lớp chim có 310 loài, lớp bò sát có 64 loài và lớp lưỡng cư có 52 loài…
Tin và ảnh: Phạm Ngọc Triển