Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng lây nhiễm, các ca bệnh nặng, tử vong do Covid-19. Trong đó mọi hoạt động đều hướng về người dân; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân; phòng, chống dịch và phát triển kinh tế – xã hội dựa vào dân, người dân là chủ thể, là trung tâm. Đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; bảo đảm cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất ngay từ cơ sở; tạo mọi tiện ích cho người dân, giảm thiểu tối đa các tác động bất lợi đối với người dân. Tiếp tục tăng cường vận động người dân tiêm vắc xin để tạo “miễn dịch cộng đồng”.
Ban chỉ đạo cũng yêu cầu: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong công tác phòng, chống dịch. Huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức tôn giáo, các tổ chức khác và cộng đồng doanh nghiệp cùng toàn thể Nhân dân trong công tác phòng, chống dịch. Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; kết hợp hài hòa phương châm “bốn tại chỗ” và hỗ trợ từ các cấp; phát huy cơ chế linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch.
Bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong bối cảnh đại dịch có khả năng còn kéo dài và diễn biến phức tạp. Phòng, chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro, chuyển từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca bệnh nặng nhập viện có nguy cơ cao, rất cao, tử vong; tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời sẵn sàng kịch bản cho tình huống dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn.
Tăng cường tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong phòng, chống dịch; nâng cao năng lực phòng, chống dịch cho các cấp, đặc biệt là tại cấp cơ sở; sẵn sàng các phương án, kịch bản ở mức cao hơn diễn biến thực tế dịch bệnh; hình thành các cơ chế điều hành vùng, liên vùng trong phòng, chống dịch. Bảo đảm hài hòa giữa các biện pháp phòng, chống dịch với các biện pháp khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội.
Thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng y tế; thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” và phối hợp có hiệu quả với lực lượng tăng cường khi cần thiết; tăng cường năng lực chỉ huy, điều phối lực lượng trong trường hợp cần thiết có lực lượng tăng cường.
UBND tỉnh, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh chỉ đạo triển khai bảo đảm tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, tăng cường vận động người dân tiêm vắc xin, đặc biệt với nhóm người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người trên 18 tuổi đã tiêm mũi 1 xong trước ngày 31/12/2021; đối với trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi hoàn thành tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 trước ngày 15/1/2022; sẵn sàng kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, chủ động tiếp cận vắc xin và tiêm ngay khi có chỉ đạo của Trung ương; triển khai ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để quản lý, giám sát độ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 và phục vụ phân bổ vắc xin hợp lý, hiệu quả.
Thực hiện nâng cao năng lực giám sát dịch tễ; thực hiện nguyên tắc “ngăn chặn – phát hiện sớm – cách ly – khoanh vùng – dập dịch”; tiếp tục tăng cường xét nghiệm theo địa bàn, nhóm nguy cơ; thực hiện gộp mẫu xét nghiệm tại những nơi có tỷ lệ mắc thấp, khuyến khích người dân tự làm xét nghiệm; kiên trì thực hiện công thức chống dịch “5K + vắc xin + thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”.
Tăng cường đầu tư, củng cố hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; sắp xếp, bố trí các trạm y tế lưu động theo quy mô và mật độ dân số, không phân theo địa giới hành chính; tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường, nâng cao trình độ, năng lực về chất lượng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở; huy động sự tham gia của hệ thống y tế tư nhân; nghiên cứu cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân thu phí dịch vụ chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19 khi dịch bùng phát mạnh.
Tiếp tục thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” bảo đảm phù hợp, hiệu quả; tăng cường đầu tư, hỗ trợ và chi viện kịp thời cho các địa phương có dịch bùng phát ở cấp độ cao hơn dự kiến; bảo đảm một số loại thuốc và vật tư thiết yếu cho tình huống dịch xấu nhất; chủ động có kế hoạch sử dụng trang thiết bị, vật tư y tế sau khi kết thúc dịch.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị… xây dựng và tổ chức phòng, chống dịch phù hợp theo từng cấp độ dịch; tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục đào tạo, bảo đảm chất lượng dạy và học; triển khai công tác phòng, chống dịch trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa bảo đảm không bị gián đoạn ở tất cả cấp độ dịch; người dân, người lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của chính quyền địa phương và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở lưu trú…
Tính đến hết ngày 20/12/2021, đánh giá phân loại cấp độ dịch tại Lào Cai theo Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy các cấp độ dịch như sau: Phạm vi tỉnh, 9/9 huyện, thành phố, thị xã; 144 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh là Cấp độ 1 (tương ứng với màu xanh); Cấp độ 2 (tương ứng màu vàng) là Xã Dền Thàng, huyện Bát Xát; Xã Minh Tân, huyện Bảo Yên; Xã Khánh Yên Hạ, Khánh Yên Trung, Hòa Mạc, Liêm Phú (huyện Văn Bàn); Cấp độ 3 (tương ứng màu cam) là Xã Bản Lầu (huyện Mường Khương); Cấp độ 4 (tương ứng màu đỏ) là Xã Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn).