Công trình bảo tồn kiến trúc, văn hóa truyền thống dân tộc Phù Lá được xây dựng ở thôn An Thành, thành phố Lào Cai với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng.
Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2025 (gọi tắt là Đề án) bắt đầu triển khai trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ cuối năm 2018 đến hết năm 2020 (từ năm 2021 chính sách được hòa vào Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết 88/2019/QH14). Trong đó, kinh phí giành cho việc bảo tồn văn hóa hai dân tộc Bố Y và Phù Lá là trên 22 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, trước khi có Đề án, tình trạng mai một bản sắc văn hóa của hai dân tộc Phù Lá và Bố Y rất đáng lo ngại. Hầu như bà con không còn giữ được tiếng nói, trang phục, ý thức về phong tục, tập quán tốt đẹp, lễ hội dân tộc cũng dần mai một. Một bộ phận bà con dân tộc Phù Lá ở huyện Bắc Hà, Mường Khương do sinh sống ở khu vực biên giới nên chủ yếu sử dụng tiếng Quan Hỏa trong giao tiếp hằng ngày, không còn dùng tiếng dân tộc gốc của người Phù Lá.
Chính vì vậy, nguồn lực hỗ trợ từ Đề án có vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của hai dân tộc. Hàng chục lớp học múa, hát, học tiếng dân tộc đã được mở ra. Các lớp học được triển khai đều khắp ở các huyện nơi có đồng bào Bố Y và Phù Lá sinh sống. Bên cạnh việc huy động các già làng, trưởng bản, các nghệ nhân còn nắm giữ được những làn điệu dân ca, các điệu múa, tiếng dân tộc… để truyền dạy cho lớp trẻ theo lối cầm tay chỉ việc thì Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Trường Cao đẳng Lào Cai; trong đó, chủ lực là Trung tâm đào tạo và thực nghiệm biểu diễn tham gia giảng dạy các lớp, các đội văn nghệ ở các thôn bản.
Ông Đỗ Xuân Quỳnh, Giám đốc Trung tâm đào tạo và thực nghiệm biểu diễn cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã: Liên Minh (thị xã Sa Pa), Thống Nhất (thành phố Lào Cai), Kim Sơn (huyện Bảo Yên), Sơn Thủy, Nậm Dạng (huyện Văn Bàn), Thanh Bình, Tung Chung Phố, Nậm Chảy (huyện Mường Khương), Na Hối, Nậm Đét (Bắc Hà) khảo sát, lựa chọn thành viên đội văn nghệ để luyện tập, biểu diễn và lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Xá Phó, Bố Y. Đồng thời chúng tôi tham mưu cho Ủy ban nhân dân các xã kiện toàn các đội văn nghệ; trong đó, ngoài sự tham gia của các nghệ nhân còn khuyến khích sự tham gia của người dân tại thôn, bản và có sự điều chỉnh bổ sung thành viên, đặc biệt là số thành viên trẻ”.
Các điệu múa của người Phù Lá được các cháu thiếu niên biểu diễn thuần thục.
Với việc các thầy, cô của Trung tâm trực tiếp đứng lớp, học viên các đội văn nghệ được tiếp thu bài bản hơn, hệ thống hơn đối với các làn điệu dân ca, múa. Anh Lù Văn Thắng, Trưởng thôn An Thành, xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai chia sẻ: “Khi mới mở lớp, anh chị em trong đội văn nghệ ai cũng lo không biết có học được không. Tuy nhiên, qua một thời gian thì hầu hết các thành viên đều thuần thục các điệu múa, các làn điệu dân ca người Phù Lá vì các thầy cô truyền đạt rất dễ hiểu, dễ nhớ…”.
Việc phối hợp với Trung tâm đào tạo và thực nghiệm biểu diễn đã phát huy hiệu quả đối với các lớp học ở thôn bản. Các thầy cô có kỹ năng về sư phạm nên việc truyền dạy sẽ bài bản hơn, khoa học hơn. Bên cạnh đó, Trung tâm đào tạo và thực nghiệm biểu diễn cũng thường xuyên tham gia các buổi biểu diễn tại các sự kiện, các tiết mục múa hát đặc sắc của dân tộc Bố Y và Phù Lá cũng được dàn dựng đi biểu diễn; qua đó, góp phần giới thiệu và quảng bá văn hóa của hai dân tộc tới người dân trong và ngoài tỉnh.
Có thể nói, Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2025 có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Qua đó, đã tăng cường, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Lào Cai nói chung và hai dân tộc Xa Phó, Bố Y nói riêng.
Thống kê cho thấy, qua hơn 2 năm triển khai Đề án, tỉnh Lào Cai đã thành lập được 37 đội văn nghệ với gần 1 nghìn người (dân tộc Bố Y và Phù Lá) tham gia. Cùng với đó, mở 32 lớp dạy tiếng dân tộc theo hình thức truyền khẩu với hơn 1.500 học viên; phân bổ mua sắm cung cấp tài sản, thiết bị cho 36 nhà văn hóa thôn bản; cung cấp trang phục, đạo cụ, nhạc cụ cho 37 đội văn nghệ/37 thôn, bản… |