Lễ cấp sắc người Dao đỏ
Lào Cai là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa phi vật thể với 33 di sản; trong đó có 2 di sản được UNESCO ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Di sản nghi lễ kéo co của người Tày – Giáy; di sản Thực hành Then của người Tày – Nùng – Thái). Di sản văn hóa trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng của Lào Cai.
Nhằm từng bước biến “di sản thành tài sản”, thời gian qua, Lào Cai đã có nhiều giải pháp khai thác tiềm năng thế mạnh từ các di tích, danh lam thắng cảnh. Trong đó, mô hình du lịch cộng đồng đã và đang được các địa phương quan tâm phát triển mang lại thu nhập cho đồng bào các dân tộc. Lào Cai là địa phương tiên phong trong du lịch cộng đồng, tỉnh đã ra quyết định công nhận 16 điểm du lịch cộng đồng. Các điểm du lịch cộng đồng, các di tích, di sản danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa, Bát Xát, Di tích lịch sử văn hóa Hoàng A Tưởng, hàng năm thu hút hơn 1,5 triệu lượt khách tham quan nghỉ dưỡng, trở thành điểm du lịch không thể thiếu trên hành trình du khách tham quan tại Lào Cai. Lào Cai hiện tại có hơn 400 cơ sở lưu trú (homestay) trên địa bàn toàn tỉnh (Tả Van, Tả Phìn, Mường Hoa, Bản Hồ, Mường Bo…(Thị xã Sa Pa), Y Tý (Bát Xát), Bản Phố, Tà Chải, Na Hối, Bản Liền, Nậm Khánh, Tả Van Chư…(Bắc Hà), Hợp Thành, Tả Phời (Thành phố Lào Cai) và Nghĩa Đô (Bảo Yên). Nhiều hộ kinh doanh Homestay tại Sa Pa, Bắc Hà được Hiệp hội Du lịch các nước ASEAN công nhận đạt tiêu chuẩn Homestay ASEAN, thu nhập của các hộ bình quân từ 50 – 80 triệu/ năm, cá biệt có các hộ đạt trên 100 triệu /năm tạo nguồn thu nhập ổn định đời sống cho các hộ kinh doanh.
Cùng với mô hình du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch tâm linh đã hình thành rõ nét trở thành “thương hiệu” bao gồm các chương trình (tour) tham quan Đền Bảo Hà (Bảo Yên) Đền Thượng, Đền Mẫu, Đền Đôi Cô.. (Thành phố Lào Cai), Đền Mẫu Thượng Ngàn Sa Pa…) tạo thành chương trình du lịch tâm linh hấp dẫn, hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách tham quan chiêm bái (Đền Bảo Hà năm 2019 đón trên 1,2 triệu lượt khách; thu ngân sách trên 41 tỷ đồng; Đền Thượng, Đền Mẫu (Thành phố Lào Cai) năm 2019 đón trên 1 triệu lượt khách; thu ngân sách trên 21 tỷ đồng.
Chủ trương phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa đã được Tỉnh ủy Lào Cai cụ thể hóa bằng Đề án số 8 “Phát triển thiết chế văn hóa, thể thao bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Lào Cai” và Đề án số 3 “Phát triển kinh tế du lịch Lào Cai giai đoạn 2016 – 2020”. Theo đó, các hoạt động bảo tồn, giữ gìn, phục dựng và lưu giữ di sản văn hóa gắn với khai thác các loại hình du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng gắn với mô hình sinh kế nông nghiệp nông thôn, đang từng bước được khai thác, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan và sinh hoạt văn hóa, tìm hiểu về phong tục tập quán sinh hoạt của cộng đồng nhân dân các dân tộc tiêu biểu; đó là: khai thác vốn tri thức dân gian trong việc chữa bệnh và phát triển thương hiệu “Tắm lá thuốc người Dao Đỏ (Tả Phìn- Sa Pa)”; Khai thác nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Dao, người Mông tạo thành sản phẩm thủ công thêu tay độc đáo; Khai thác kiến trúc nhà sàn phát triển thành dịch vụ nhà nghỉ tiêu biểu của dân tộc Tày, Giáy, Mông (Bản Hồ, Tả Van, San Sả Hồ- Sa Pa). Khai thác ẩm thực truyền thống dân tộc Tày, Giáy (Tả Van- Sa Pa). Khai thác các sản phẩm của nghề thủ công mỹ nghệ dân tộc Mông, Dao (San Sả Hồ, Tả Phìn- Sa Pa),…
Phát huy giá trị di sản văn hóa, biến tiềm năng thành nguồn lực phát triển du lịch là hướng đi đúng đắn. Việc khai thác có hiệu quả thế mạnh của di sản văn hóa hướng tới phát triển du lịch bền vững không chỉ có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển du lịch, mà còn góp phần đưa những giá trị văn hóa đến gần hơn với bạn bè quốc tế, tạo nguồn thu để tái đầu tư cho văn hóa.