Những ngày này, đến các điểm giao dịch, đại lý bán hàng của đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông, rất đông người dân đến để được hướng dẫn thực hiện chuẩn hóa thông tin cá nhân khi đăng kí thuê bao di động theo dữ liệu cư dân quốc gia.
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, các doanh nghiệp viễn thông đã kết nối với CSDLQG về dân cư, cung cấp dữ liệu, đối soát thông tin. Qua đó, thông tin nhiều thuê bao di động mà người dân đang sử dụng chưa trùng khớp với thông tin theo dữ liệu cư dân quốc gia. Tình trạng này là nguyên nhân dẫn tới trạng sử dụng SIM thuê bao di động không đúng quy định.
Theo đó, kể từ ngày 31/3, các thuê bao di động có thông tin không khớp với CSDLQG về dân cư sẽ bị tạm dừng hoạt động, sau đó sẽ bị khóa thông tin 2 chiều và sau 2 tháng sẽ chấm dứt hợp đồng nếu thuê bao không đăng ký chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định. Đây là hành động quyết liệt của Cục Viễn thông và các nhà mạng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, góp phần giải quyết triệt để tình trạng sử dụng SIM thuê bao có thông tin không đúng quy định.
Để giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi sử dụng dịch vụ, trong thời gian từ nay đến ngày 31/3, các nhà mạng lớn trên địa bàn tỉnh như Vinaphone, Viettel, MobiFone sẽ tăng cường truyền thông, hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng có thông tin thuê bao chưa thực hiện chuẩn hóa với CSDLQG về dân cư.
Bà Đậu Ái Loan, Giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Lào Cai (đơn vị quản lý hoạt động kinh doanh mạng di động Vinaphone) cho biết: Việc rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao của người sử dụng dịch vụ viễn thông di động đã được triển khai từ giữa năm 2022 bằng cả công nghệ và thủ công. Qua rà soát, VNPT Lào Cai có khoảng 10.000/200.000 thuê bao không trùng khớp với thông tin đối soát với CSDLQG về dân cư.
Trước thực trạng trên, VNPT Lào Cai đã áp dụng nhiều biện pháp để truyền thông tới khách hàng như gửi tin nhắn, gọi điện đến từng thuê bao. Ngoài ra, Vinaphone còn tận dụng cả mạng lưới loa tại các xã, phường, thông tin đến tất cả khách hàng trên địa bàn biết để đến các điểm giao dịch, đại lý bán hàng bổ sung dữ liệu đúng thời hạn.
“Bằng các biện pháp cả kỹ thuật, công nghệ và thủ công, đến nay, VNPT Lào Cai đã thực hiện chuẩn hóa thành công cho khoảng 70% thuê bao (trong số 10.000 thuê bao chưa chuẩn thông tin với CSDLQG về dân cư), hiện là đơn vị đứng đầu trong cả nước về tiến độ chuẩn hóa thông tin thuê bao đi động trong số các chi nhánh Vinaphone trên cả nước” – bà Đậu Ái Loan cho biết thêm.
Tương tự VNPT, Viettel Lào Cai là đơn vị nhà mạng có số thuê bao di động chiếm thị phần lớn nhất trên địa bàn tỉnh với 421.000 thuê bao (chiếm 66,2% lượng thuê bao tại tỉnh). Tuy nhiên, đơn vị này chưa có con số thống kê cụ thể số thuê bao di động chưa chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định.
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Bích Huyền, đại diện Viettel tại Lào Cai cho biết, để truyền thông đến người dân về chủ trương của các cơ quan quản lý, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel đã triển khai rất nhiều hình thức như nhắn tin SMS; xây dựng hệ thống Callbot để gọi điện tự động; nhân viên đến gặp trực tiếp khách hàng để hỗ trợ; phát âm IVR khi khách hàng thực hiện cuộc gọi đi/đến thuê bao khác… Cùng với đó, công tác chuẩn hóa thông tin cũng đang được đơn vị tích cực triển khai. Hiện Viettel Lào Cai có khoảng 400 điểm giao dịch phục vụ việc hỗ trợ chuẩn hóa thông tin thuê bao cho khách hàng.
Dạo một vòng qua các điểm giao dịch và đại lý bán hàng của Vinaphone và Viettel tại Lào Cai, phóng viên ghi nhận nhiều người dân đã đến để chỉnh sửa chuẩn hóa thông tin đối với thuê bao di động của mình.
Thực tế cho thấy, trong quá trình người dân đến để chuẩn hóa thông tin cá nhân cho thuê bao di động đã phát sinh những vấn đề mà các đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông di động cần có giải pháp tháo gỡ, đó là nhiều người dân chưa làm căn cước công dân, trong khi thông tin bắt buộc phải có trên hệ thống là số căn cước công dân.
Người dân xã Na Hối, huyện Bắc Hà thực hiện chuẩn hóa dữ liệu cá nhân cho thuê bao di động của Vinaphone. |
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Nga ở phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai (một chủ thuê bao di động mạng viễn thông Viettel) tỏ ra lo lắng vì hiện hai mẹ con chị chưa làm căn cước công dân (vì lý do khách quan), khi đến để chuẩn hóa thông tin tại quầy giao dịch của Viettel Lào Cai tại đường B6 thì nhân viên ở đây yêu cầu chị phải có căn cước công dân mới thực hiện chuẩn hóa được.
“Nếu đến 31/3 không kịp làm căn cước công dân thì nguy cơ thuê bao của hai mẹ con sẽ bị ngắt liên lạc và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công việc kinh doanh của gia đình. Tôi mong các đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông và cơ quan chức năng cần có giải pháp để hỗ trợ” – chị Nga nói.
Ngoài ra, nhiều nguyên nhân khác đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai chuẩn hóa thông tin cá nhân cho thuê bao di động, đó là số khách hàng sở hữu thuê bao di động nhưng sai hoặc thiếu thông tin cá nhân còn rất lớn, trải dài ở nhiều khu vực. Đặc biệt, việc tiếp cận với khách hàng tại khu vực vùng sâu, vùng xa, khách hàng là người dân tộc thiểu số và khách hàng đi lao động ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, để hiệu chỉnh thông tin cá nhân, chủ thuê bao phải đến các đại lý hoặc điểm bán hàng, nơi được các nhà mạng phân quyền sử dụng phần mềm chỉnh sửa.
Cùng với đó, hiện nay, do việc nắm bắt thông tin còn hạn chế, nhiều người dân khi nhận được tin nhắn hoặc cuộc gọi từ nhân viên dịch vụ của các nhà mạng lại nghĩ là cuộc gọi lừa đảo nên không nghe hoặc phản hồi tin nhắn. Điều này đặt ra cho các đơn vị kinh doanh phải có phương án tuyên truyền phù hợp đến với người dân.
Trao đổi với phóng viên về công tác triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao trên địa tỉnh, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, sau khi có chỉ đạo của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động hoạt động trên địa bàn tỉnh rà soát, đối chiếu, triển khai các giải pháp xác thực thông tin của các thuê bao đã có đầy đủ giấy tờ và đăng ký thông tin đúng quy định. Các số điện thoại có thông tin chưa chuẩn, chưa trùng với CSDLQG về dân cư sẽ nhận được thông báo từ nhà mạng. Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện phải đảm bảo quyền lợi, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ trong việc phối hợp chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Người dùng cảnh giác với các tin nhắn lừa đảo về chuẩn hóa dữ liệu
Lợi dụng việc các nhà mạng đang thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao, tới đây, tình trạng tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo để chiếm đoạt thông tin người dùng điện thoại có thể sẽ bùng phát.
Thủ đoạn của các đối tượng sẽ là nhắn tin giả mạo nhà mạng, cảnh báo chủ thuê bao có thể bị khóa sim, sau đó yêu cầu chủ thuê bao cung cấp thông tin cá nhân để nâng cấp sim. Từ các thông tin này, các đối tượng có thể đánh cắp thông tin cá nhân, thực hiện giao dịch ngân hàng, chiếm đoạt tiền.
Phía đại diện VNPT Lào Cai cho biết, hiện nay, xuất hiện các số điện thoại ngoại mạng như: 0562124881, 0567921696, 0522727570, 0585422968 thay nhau gọi vào thuê bao của khách hàng để xin xác nhận thuê bao chính chủ, đồng thời lấy các thông tin như tên, địa chỉ, giấy tờ… của khách hàng.
Để tránh tình trạng trên, khách hàng cần nắm được quy trình hướng dẫn thực hiện chuẩn hóa dữ liệu cá nhân của các nhà mạng để không bị “dính” các tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo.
Quy trình hướng dẫn cập nhật thông tin thuê bao di động của các nhà mạng |