Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường phát biểu tại kỳ họp. |
I. Về các nội dung thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
1. Phân bổ vốn trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2022 thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia
Xác định các Chương trình mục tiêu quốc gia có lượng vốn lớn, quan trọng của tỉnh, nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, UBND tỉnh đã chủ động chỉ đạo bám sát các cơ quan trung ương là các cơ quan thường trực chương trình (Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và PTNT) để báo cáo, làm việc và xin được lượng vốn tối đa cho địa phương. Đồng thời chủ động triển khai nhiều nội dung để ngay sau khi Trung ương giao vốn có thể thực hiện được luôn. Tỉnh Lào Cai được đánh giá là một trong những địa phương chủ động thực hiện các nội dung liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia sớm nhất cả nước.
Theo dự kiến, tổng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Lào Cai được phân bổ từ ngân sách Trung ương là 6.225 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư (đã được giao chính thức tại Quyết định 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022) là 3.413 tỷ đồng; vốn sự nghiệp (dự kiến theo Tờ trình 311/TTr-BKHĐT ngày 7/4/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ) là 2.812 tỷ đồng.
Còn nhiều ý kiến khác nhau trong giao vốn sự nghiệp hàng năm và giai đoạn, vì vậy, tôi đề nghị, trước mắt chúng ta thực hiện theo Quyết định 653 của Chính phủ giao kế hoạch vốn sự nghiệp năm 2022, nhưng trong cách chỉ đạo điều hành của các ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện nên định hướng theo trung hạn, vì vốn sự nghiệp hay vốn đầu tư thì cũng phải đặt trong một giai đoạn nhất định, nếu cắt khúc từng năm sẽ không có sự gắn kết với nhau.
Tại kỳ họp này, sẽ giao vốn đầu tư phát triển trung hạn với tổng số vốn 3.413 tỷ đồng vốn đầu tư. Căn cứ vào các Nghị quyết 01, 03 của HĐND tỉnh về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các quyết định của Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các cơ quan cấp tỉnh được phân bổ 212 tỷ đồng, UBND cấp huyện được phân bổ 3.201 tỷ đồng. Như vậy, khối lượng công việc của cấp huyện rất lớn, trong khi trình tự, thủ tục phức tạp, nếu không phối hợp tốt sẽ không kịp tiến độ của Trung ương.
Các huyện nghèo (Mường Khương, Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai) được phân bổ vốn nhiều nhất (từ 400 – 600 tỷ đồng/huyện), các huyện Văn Bàn, Bảo Yên phân bổ trên 300 tỷ đồng/huyện, thị xã Sa Pa được phân bổ gần 250 tỷ đồng, huyện Bảo Thắng được phân bổ 116 tỷ đồng; thấp nhất là thành phố Lào Cai 51 tỷ đồng.
Đối với 2.812 tỷ đồng vốn sự nghiệp: Mặc dù Trung ương không thông báo kế hoạch vốn sự nghiệp của cả giai đoạn 2021 – 2025, mà dự kiến giao từng năm, tuy nhiên căn cứ trên dự thảo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, UBND tỉnh dự kiến chi tiết các khoản chi theo từng nhóm lĩnh vực, trong đó: Khối cơ quan cấp tỉnh 1.164 tỷ đồng, UBND cấp huyện 1.647 tỷ đồng.
Quang cảnh kỳ họp. |
2. Tiến độ yêu cầu của Trung ương và chỉ đạo của tỉnh
Tại Quyết định 652, 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phải giao kế hoạch vốn đầu tư trung hạn 2021 – 2025 và dự toán năm 2022 và kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (gồm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và chi tiết danh mục thực hiện) trước ngày 1/7/2022.
Tuy nhiên, tại Nghị định 27/2022/NĐ-CP về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, việc lập kế hoạch thực hiện phải có sự tham gia của cộng đồng (tức là đề xuất từ cơ sở). Do vậy, tại kỳ họp này, UBND tỉnh chỉ trình phân bổ tổng thể vốn đầu tư trung hạn, vốn đầu tư và dự toán năm 2022 tới các đơn vị cấp tỉnh, huyện; chưa trình kế hoạch và danh mục chi tiết (sẽ trình tại kỳ họp thường lệ giữa năm của HĐND tỉnh dự kiến ngày 15/7/2022).
Để trình được kế hoạch chi tiết từng mục tiêu, danh mục cụ thể với HĐND tỉnh phê duyệt, từ nay đến ngày 15/7/2022, các cấp tỉnh, huyện, xã phải khẩn trương triển khai nhiều nội dung, đó là:
– Ngay sau khi được HĐND tỉnh thông qua về kế hoạch vốn đầu tư giai đoạn 2021 – 2025 và dự toán năm 2022, UBND tỉnh sẽ ban hành quyết định giao vốn cho cấp huyện. Trên cơ sở đó, cấp huyện sẽ thông báo vốn cho cấp xã.
– Cấp xã: Phải tổ chức họp thôn, đề xuất kế hoạch thực hiện và trình HĐND cấp xã thông qua trước ngày 25/6/2022.
– Cấp huyện: Trên cơ sở đề xuất của cấp xã, các định hướng của tỉnh, tổng hợp và xây dựng kế hoạch thực hiện từng Chương trình mục tiêu quốc gia trình HĐND cấp huyện thông qua trước ngày 1/7/2022.
– Cấp tỉnh: Trên cơ sở đề xuất của các huyện, các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan thường trực 3 Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ phải hoàn thiện chi tiết kế hoạch của tỉnh trước ngày 6/7/2022 để trình HĐND tỉnh.
Do vậy, đề nghị các đồng chí bí thư huyện ủy, đồng thời là chủ tịch HĐND các huyện tập trung chỉ đạo triển khai nội dung này theo đúng tiến độ.
Đại biểu biểu quyết thông qua 7 nghị quyết tại kỳ họp. |
II. Chủ trương đầu tư các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ
1. Về chủ trương đầu tư dự án đầu tư ngành nghề trọng điểm đến năm 2025 của Trường Cao đẳng Lào Cai
UBND tỉnh đã phê duyệt dự án, phương án đầu tư cho Trường Cao đẳng Lào Cai khoảng 218 tỷ đồng, trong đó, chương trình phục hồi kinh tế 70 tỷ đồng, chương trình giảm nghèo bền vững 65 tỷ đồng, nguồn lao động việc làm của Trung ương 22 tỷ đồng, ngân sách tỉnh và nguồn thu của trường 60 tỷ đồng. Lào Cai sẽ quyết tâm xây dựng Trường Cao đẳng Lào Cai trở thành trường trọng điểm theo quy hoạch của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Căn cứ vào mức vốn bố trí 70 tỷ đồng từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sẽ ưu tiên thứ tự mua sắm cần thiết cho các ngành nghề đào tạo trọng tâm của nhà trường là: Dịch vụ du lịch, khách sạn; thú y; ô tô; điện công nghiệp.
2. Về chủ trương đầu tư dự án: Dự án mua sắm trang thiết bị các bệnh viện tuyến huyện tỉnh Lào Cai
Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ phải ban hành danh mục mua sắm trung hạn 2021 – 2025, nội dung này, UBND tỉnh đã báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy để thống nhất trong giai đoạn 2022 – 2025 sẽ dành nguồn lực hơn 880 tỷ đồng để đáp ứng mua sắm trang thiết bị y tế. Khi xây dựng hạ tầng, mua sắm trang thiết bị xong cho 8/8 bệnh viện cấp huyện sẽ đảm bảo việc khám, chữa bệnh trên địa bàn. Tất cả các bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh sau đầu tư sẽ đạt khoảng 4.000 giường bệnh, vượt so với mục tiêu đề án khoảng 700 giường bệnh, so với kế hoạch đến năm 2025 đạt 107,9%
Trong số hơn 880 tỷ đồng gồm ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh 458 tỷ đồng; vốn ODA hơn 300 tỷ đồng; Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của các bệnh viện khoảng 120 tỷ đồng. Do vậy, với 56 tỷ đồng Trung ương dự kiến phân bổ sẽ đáp ứng được khoảng 6,3% nhu cầu mua sắm trang thiết bị y tế giai đoạn 2022 – 2025 của tỉnh. UBND tỉnh sẽ tiếp tục cân đối các nguồn kinh phí để thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2025.
(*) Đầu đề do Báo Lào Cai đặt.
Giai đoạn này đang thực hiện đầu tư và chuẩn bị đầu tư một số bệnh viện, gồm: Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương hiện có 150 giường bệnh, sau khi xây dựng xong có 200 giường bệnh; Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn hiện có 180 giường bệnh, sau khi xây dựng xong tăng lên 250 giường bệnh; Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát hiện có 160 giường bệnh, sau khi xây dựng xong tăng lên 250 giường bệnh; Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên hiện có 155 giường bệnh, sau xây dựng xong tăng lên 250 giường bệnh; Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng hiện có 330 giường bệnh, sau khi xây dựng xong tăng lên 450 giường bệnh; Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai hiện có 110 giường bệnh, sau khi xây dựng xong có 200 giường bệnh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có 800 giường bệnh, sau khi xây dựng xong đạt 1.130 giường bệnh. |