Đội ngũ cán bộ của Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Lào Cai.
Năm 2022, Tỉnh uỷ Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm thúc đẩy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; ban hành Kế hoạch chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội giai đoạn 2022 – 2025. UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động số 11/CTr-UBND thực hiện Nghị quyết số 20 của Tỉnh uỷ. Tỉnh quyết tâm mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột về xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm chuyển đổi số.
Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức
Công tác truyền thông nhằm chuyển đổi nhận thức được tỉnh Lào Cai quan tâm triển khai. Chuyên trang Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai chính thức đi vào hoạt động ngày 13/10/2022 tại địa chỉ https://chuyendoiso.laocai.gov.vn. Hệ thống Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai và 85 cổng thành phần đều đã xây dựng các tin, bài, chuyên mục về chuyển đổi số. Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh tuyên truyền về chuyển đổi số trong chương trình thời sự hằng ngày và xây dựng 01 phóng sự tuyên truyền/tháng. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2280 lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai.
Hội nghị phổ biến chủ trương, chính sách về chuyển đổi số được tổ chức 3 cấp tỉnh, huyện, xã và tại các Đảng ủy Khối Cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh cho hơn 5.000 người. Tổ chức đào tạo chuẩn kỹ năng ứng dụng CNTT cho trên 1.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tập huấn về chuyển đổi số cho địa phương cấp xã trên nền tảng trực tuyến cho 520 người; tổ chức đào tạo tập huấn về an toàn thông tin và chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin cho trên 80 cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách toàn tỉnh. Lào Cai tổ chức thành công 07 cuộc thi trắc nghiệm trên Internet tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ tỉnh và tìm hiểu chính sách pháp luật của Nhà nước với sự tham gia của 5,8 triệu lượt người tham gia.
APP công dân hay còn gọi “Công dân số Lào Cai” chuẩn bị triển khai trong tháng 12/2022.
Phát triển chính quyền số
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, hội họp, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được Lào Cai triển khai mạnh mẽ. Minh chứng rõ nét nhất là Lào Cai đã công bố Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Lào Cai, phiên bản 2.0; khai trương Trung tâm điều hành đô thị thông minh; kết nối thành công nền tảng, tích hợp, chia sẻ (LGSP) tỉnh Lào Cai; khai trương Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Lào Cai; tích hợp thành công ứng dụng Zalo vào Chính quyền điện tử…đã tạo bước đột phá về ứng dụng CNTT.
Đến nay, hạ tầng mạng viễn thông phủ sóng di động đến 100% trung tâm các xã, trên 98% thôn, bản. Hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang kết nối và cung cấp dịch vụ đến 100% trung tâm cấp huyện, cấp xã. Hạ tầng kỹ thuật CNTT hiện đại, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Trung tâm dữ liệu của tỉnh được đầu tư, nâng cấp, mở rộng đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng dùng chung của tỉnh, đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu và đáp ứng cho việc triển khai chuyển đổi số.
Dịch vụ công trực tuyến được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, một số chỉ tiêu đến 9 tháng đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Hiện toàn tỉnh có trên 1.700/1.900 TTHC được cung cấp và giải quyết trên môi trường mạng đạt trên 89%. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến/tổng số hồ sơ giải quyết TTHC đạt 55,5%. Số lượng nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC qua dịch bưu chính công ích là trên 96.600 hồ sơ. Tích hợp trên 1.300/1.761 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công Quốc gia đạt trên 75%, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tỷ lệ hồ sơ công việc trong các cơ quan hành chính nhà nước được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã đều vượt chỉ tiêu đề ra của năm 2022 (Cấp tỉnh đạt 87%; cấp huyện đạt 86%; cấp xã 84%). Tỷ lệ văn bản đi được ký số tại các cơ quan cấp tỉnh đạt 90%, cấp huyện đạt trên 77%, cấp xã, phường, thị trấn đạt 60%. Hệ thống xếp lịch hàng tuần, hàng tháng của lãnh đạo đã được 100% các cơ quan, đơn vị triển khai. Hệ thống quản lý phòng họp không giấy, đến nay có 16/22 đơn vị đưa vào ứng dụng với tổng số trên 400 cuộc họp/9 tháng đầu năm. Tỉnh Lào Cai đang thử nghiệm triển khai hệ thống phản ánh hiện trường trên địa bàn thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa.
Phát triển kinh tế số
Hiện 100% sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai đã được giới thiệu, quảng bá trên sàn thương mại điện tử tỉnh Lào Cai (laocaitrade.vn). Lào Cai đã triển khai 100% doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử. Hiện có 104/120 sản phẩm OCOP của tỉnh đã lên các sàn thương mại điện tử, đạt trên 86%. 100% các chủ thể đã có tài khoản thanh toán điện tử.
Triển khai biên lai điện tử phục vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết TTHC đã có 194 cơ quan, đơn vị, địa phương ký hợp đồng sử dụng biên lai điện tử. Trên 37% cơ quan, đơn vị, địa phương đã xuất biên lai điện tử trong thu phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính trực tuyến. Tổng số biên lai điện tử đã sử dụng là trên 81.000 biên lai.
Lào Cai đang triển khai xây dựng Cổng dịch vụ công cửa khẩu quốc tế là tiền đề triển khai nền tảng cửa khẩu số trên địa bàn tỉnh. Hệ thống này nhằm nâng cao năng lực quản lý xuất nhập cảnh, xuất khẩu, tiết kiệm chi phí, thời gian luân chuyển giấy tờ, góp phần nâng cao năng lực thông quan của cửa khẩu.
Xã hội số
Lào Cai quan điểm lấy chính quyền điện tử làm nền tảng phát triển đô thị thông minh. Theo đó, ưu tiên phát triển 5 lĩnh vực gồm: Du lịch; giáo dục; y tế; giao thông, môi trường và cảnh báo thiên tai; thí điểm một số dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa để tạo thành “Hệ sinh thái chính quyền điện tử tỉnh Lào Cai”, kết nối đến cơ sở dữ liệu quốc gia.
Triển khai bộ phần mềm du lịch thông minh; Cổng du lịch thông minh tỉnh Lào Cai với tổng số lượt truy cập trên Cổng du lịch thông minh tính đến thời điểm hiện tại là trên 4 triệu lượt. Ngành giáo dục đã triển khai xây dựng môi trường học tập trực tuyến (e-learning), hệ thống khảo thí, ngân hàng đề thi, tổ chức dạy học trực tuyến, thi trực tuyến tại 36 trường. Giao thông đã triển khai 100% các bến xe khách trên địa bàn tỉnh đã được trang bị và sử dụng phần mềm quản lý bến xe để truyền dữ liệu hoạt động tại bến xe về cơ quan quản lý nhà nước. Triển khai, giám sát các trạm cân tại các cửa mỏ Bắc Nhạc Sơn, Ga 3, Ga 2, Ga Mỏ Cóc, Nhà máy tuyển Cam Đường. Lắp đặt thiết bị Hệ thống Trạm thời tiết tổng hợp và trạm đo mưa tự động tại các 03 huyện, và trên địa bàn các xã. Thực hiện kết nối các hệ thống camera giám sát an ninh trật tự về Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Lào Cai. Các dịch vụ điện, nước, vệ sinh môi trường đã bước đầu thực hiện thanh toán điện tử.
Chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ y tế đã kết nối phần mềm Hồ sơ sức khỏe cá nhân, phần mềm Quản lý truyền tải hình ảnh (RIS-PACS); phần mềm Bệnh án điện tử (EMR) đã kết nối liên thông dữ liệu với phần mềm HIS tại 14/14 bệnh viện trên địa bàn tỉnh. 100% trạm y tế đã triển khai hoạt động quản lý trạm y tế xã trên môi trường số. Bước đầu các cơ sở y tế đã triển khai hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Bệnh viện Đa khoa tỉnh 04 buổi/tuần, các bệnh viện tuyến huyện trung bình 01 buổi/tuần kết nối với các bệnh viện tuyến trung ương. 100% cơ sở khám, chữa bệnh (bệnh viện) đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử.
Theo số liệu của Cục Viễn thông, tỉnh Lào Cai có tỷ lệ hộ gia đình có Smart phone là 93,7%. Tỷ lệ người dân trưởng thành có điện thoại thông minh là trên 51%. Lào Cai đã triển khai 15/15 điểm phát sóng Wifi công cộng phục vụ du khách và nhân dân trên địa bàn thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa.
Đến nay, 9/9 huyện, thị xã, thành phố, 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng với 6.870 thành viên tham gia. Tổ chức đào tạo Tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn tỉnh qua hình thức trực tuyến cho trên 5.000 người. Đây là lực lượng quan trọng, tham gia trực tiếp và có đóng góp không nhỏ trong việc triển khai các hoạt động chuyển đổi số của địa phương.
Lào Cai cũng đang tích cực triển khai App công dân (Công dân số Lào Cai) trên phạm vi toàn tỉnh. Phần mềm “Công dân số Lào Cai” được triển khai sẽ tạo chuyển biến rõ nét, là điểm nhấn trên lộ trình chuyển đổi số của địa phương, đồng thời đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho các tổ chức và công dân.
Tỉnh Lào Cai quyết tâm trong tương lai gần sẽ trở thành tỉnh phát triển của cả nước, là cực tăng trưởng và là trung tâm kết nối vùng Tây Nam Trung Quốc với Việt Nam và các nước ASEAN. Lào Cai xác định chuyển đổi số là cơ hội, động lực và công cụ hữu hiệu để giúp Lào Cai đẩy nhanh và hiện thực hoá mục tiêu phát triển./.