Trong bài “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội. Vì vậy, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của Nhân dân. Nhân dân tiếp nhận, ủng hộ và nhiệt tình tham gia tích cực thực hiện đường lối của Đảng vì thấy đường lối đó đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của mình. Sức mạnh Nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển”.
Thành phố Lào Cai hôm nay. |
Trải qua hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng của Đảng, Nhân dân ta đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác: Cách mạng Tháng Tám thành công, “đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ”, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc, tập trung mọi nguồn lực xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, đó là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội “dĩ bất biến” với mục đích cao cả “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Thực tiễn đã chứng minh, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, Nhân dân ta đã làm nên những kỳ tích trong đấu tranh giải phóng, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là thời kỳ đổi mới và hội nhập, như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm năng, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta”. Đó là sự khẳng định đúc kết từ những giá trị vô cùng tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng đã sáng suốt lựa chọn, dẫn dắt Nhân dân ta vượt qua muôn vàn gian khổ, từng bước hiện thực hóa sinh động trên đất nước ta. Từ lý luận cách mạng và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Đảng ta đã rút ra được những vấn đề cốt yếu về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là xã hội có một hệ thống chính trị mà quyền lực thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị nhân văn; một xã hội phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội cùng với sự phát triển bền vững hài hòa với thiên nhiên để đảm bảo môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Đó cũng là mục tiêu con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta và Nhân dân hướng tới.
Với Lào Cai, từ một tỉnh miền núi, biên giới nghèo nàn, lạc hậu, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, từ ngày thành lập, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã trải qua 75 năm lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết một lòng theo Đảng, vượt qua khó khăn, thử thách giành thắng lợi qua các thời kỳ: Đấu tranh giải phóng Lào Cai khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp (1/11/1950), dẹp yên nạn nổi phỉ, tiến hành xây dựng tỉnh Lào Cai song song với nhiệm vụ chiến đấu chống chiến tranh leo thang phá hoại của đế quốc Mỹ, tích cực góp sức người, sức của chi viện cho miền Nam đánh Mỹ và thắng Mỹ, kiên cường bảo vệ biên cương Tổ quốc (1979). Từ sau khi tái lập tỉnh (10/1991) đến nay, Lào Cai đồng hành trong công cuộc đổi mới đất nước, hòa vào dòng chảy chung của dân tộc trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã khẳng định những bước đi vững chắc, tạo thế và lực mới xây dựng Lào Cai ngày thêm tỏa sáng.
Với xuất phát điểm là một tỉnh có thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 680 nghìn đồng/năm, 138/180 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn với gần 55% hộ thuộc diện đói nghèo, trình độ dân trí thấp, trên 30% cán bộ xã chưa biết đọc, biết viết, 14 xã “trắng” về giáo dục, 36 xã chưa có trạm y tế, 7/10 huyện, thị chưa có điện lưới quốc gia, 54/180 xã chưa có đường giao thông đến trung tâm… Lào Cai phải làm gì, làm thế nào để từng bước cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội? Đó là câu hỏi trăn trởcủa các thế hệ lãnh đạo tỉnh Lào Cai sau tái lập. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo và đổi mới, dám nghĩ, dám làm, nhiều quyết sách đã được các nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Các thôn, bản ngày càng khởi sắc nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. |
Từ một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, sau 30 năm tái lập, Lào Cai đã vươn lên đứng trong tốp đầu của 14 tỉnh miền núi phía Bắc, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 10%/năm. So với năm 1991, đến năm 2021, thu ngân sách gấp 252 lần, thu nhập bình quân đầu người gấp 112 lần, văn hóa – xã hội phát triển đồng đều, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao, không còn hộ đói, tỷ lệ giảm nghèo từ 54,8% xuống còn 8,46%, diện mạo nông thôn đổi mới… Những số liệu cơ bản trên cho thấy con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Lào Cai đang mở ra nhiều triển vọng cùng những thử thách mới, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai trong giai đoạn mới rất nặng nề nhưng cũng vẻ vang, quyết tâm thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế – xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, một lần nữa khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta nói chung, tỉnh Lào Cai nói riêng là con đường đúng đắn không thế lực nào có thể ngăn cản, không luận điệu phản động nào có thể xuyên tạc, bôi nhọ.