Hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc cây dược liệu.
Với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, vùng núi cao Lào Cai hiện có khoảng 850 loại cây thuốc trong tổng số trên 3.900 loại thực vật có công dụng làm thuốc, 70 loại cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn. Đặc biệt, tiềm năng đất rừng của Lào Cai với những cánh rừng già, rừng tự nhiên lâu năm có mức độ đa dạng sinh học cao và trữ lượng nhiều cây dược liệu tự nhiên quý hiếm và có giá trị y dược cao như: Sâm Ngọc Linh, Giảo cổ lam, Sa nhân tím, Tam Thất hoàng,…
Để phát huy tiềm năng đó, tỉnh Lào Cai đã phê duyệt Quy hoạch phát triển dược liệu tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, 10 chủng loại cây dược liệu có thế mạnh sẽ được tỉnh ưu tiên phát triển như: Đương Quy, Xuyên Khung, Actiso, Đảng Sâm, Tam Thất… Vùng phát triển cây dược liệu được quy hoạch tập trung tại các huyện có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, phù hợp như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Mường Khương và Văn Bàn.
Không chỉ quy hoạch phát triển cây dược liệu, tỉnh cũng đã quan tâm ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, tập thể, cá nhân đầu tư vào sản xuất dược liệu, như: miễn giảm, hỗ trợ tiền thuê đất, hỗ trợ đào tạo chuyển giao kỹ thuật trồng, thu hái. Các dự án trồng cây dược liệu được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống…
Nhờ những chính sách khuyến khích đó, đến nay, diện tích trồng cây dược liệu của Lào Cai đã không ngừng được mở rộng. Hiện đã đạt 2.300 ha trồng dược liệu trên toàn tỉnh và bắt đầu hình thành những vùng trồng dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO).
Thu mua nguyên liệu chè dây để chế biến sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Điển hình là Sa Pa, một trong những địa phương có truyền thống trồng cây dược liệu. Sa Pa đang hướng tới vùng sản xuất cây dược liệu với diện tích 100 ha, tiếp đó là 150 ha, tập trung vào các cây dược liệu tiềm năng như atisô, đẳng sâm, đỗ trọng, đương quy, mộc hương, tam thất, xuyên khung… Đẩy mạnh hình thành chuỗi liên kết để bảo đảm đầu ra cho nông dân và phát triển bền vững. Nổi lên trong chuỗi liên kết có thể kể đến Traphaco Sa Pa. Hiện công ty đang liên kết với hơn 130 hộ trên địa bàn huyện Sa Pa thu mua toàn bộ sản phẩm lá atiso với sản lượng trên 2.000 tấn lá tươi/năm. Với giá 2.200 đồng/kg, mỗi năm người dân Sa Pa thu về khoảng 4,5 tỷ đồng từ lá atiso. Các sản phẩm hoa, hạt, củ atiso… cũng được người dân chế biến và bán ra thị trường. Ước tính, thu nhập từ trồng atiso của người dân Sa Pa đạt khoảng 7 tỷ đồng mỗi năm. Có thể nói, cây dược liệu đã và đang góp phần tạo sinh kế, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi đây.
Nhà máy chế biến cao atiso của Traphaco Sa Pa tại Khu Công nghiệp Đông Phố Mới có công suất chế biến 100 tấn cao khô/năm.
Bắc Hà cũng là một trong những vùng trọng điểm trồng cây dược liệu của Lào Cai. Hiện, toàn huyện có khoảng từ 90 -100 ha trồng dược liệu. Bắc Hà tập trung với 3 loại cây chủ lực là Atiso, Đương Quy và Cát Cánh. Năm 2019, theo tính toán của ngành nông nghiệp huyện, thu hoạch Atiso, Đương quy và Cát Cánh đạt khoảng 8,8 tỷ đồng. Những cánh đồng dược liệu quý hiếm đã, đang khẳng định vị thế cây chủ lực xóa nghèo hiệu quả, mở ra cơ hội làm giàu cho bà con vùng đất cao nguyên trắng.
Lào Cai hiện có 04 cây dược liệu được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn “thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc”. Có 8 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao. Nhiều sản phẩm nông nghiệp phục vụ chăm sóc sức khỏe của Lào Cai đã chinh phục được khách hàng như: cao atiso Sa Pa, chè dây, giảo cổ lam, tam thất, thuốc tắm người Dao đỏ… Cây dược liệu của Lào Cai đã dần khẳng định được thương hiệu đối với người tiêu dùng trong nước.
Trong thời gian tới, Lào Cai chú trọng phát triển cây dược liệu gắn với hoạt động du lịch sinh thái. Tập trung sản xuất theo hình thức liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, thu mua, chế biến sản phẩm. Xây dựng thương hiệu và cấp mã cho các vùng trồng cây dược liệu. Đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm, mang nét đặc trưng riêng của Lào Cai. Xây dựng mới các mô hình theo hướng bảo tồn và phát triển cây dược liệu bền vững. Mục tiêu đến năm 2030, sẽ tăng lên 22 chủng loại cây dược liệu với diện tích mở rộng khoảng 3.800 ha. Phấn đấu đưa cây dược liệu trở thành cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp của Lào Cai./.