Lãnh đạo tỉnh Lào Cai luôn quan tâm đến công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân. (Ảnh: Quỳnh Hoa)
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tham mưu trong công tác CCHC, trong 5 năm UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức 07 hội nghị tập huấn cho 520 đại biểu (02 hội nghị cấp tỉnh và 05 hội nghị cấp huyện) với nội dung hướng dẫn nghiệp vụ triển khai, thực hiện Đề án 1648; thực hiện cắt giảm 30% thời gian giải quyết TTHC; chuẩn hóa TTHC; nghiệp vụ kiểm soát TTHC. Qua đó, giúp cho đội ngũ lãnh đạo các địa phương có cách nhìn đúng, đầy đủ và thấy được tầm quan trọng của công tác CCHC trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tham mưu trong công tác CCHC đối với cán bộ, công chức là đầu mối làm nhiệm vụ CCHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nhiều thủ tục hành chính được rà soát, đơn giản, công khai giúp hạn chế phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc giao dịch với cơ quan Nhà nước. Trình độ chuyên môn, tác phong, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ cũng từng bước được nâng lên nhằm hướng đến xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Cải cách hành chính lấy sự hài lòng của tổ chức và công dân làm thước đo hiệu quả.
Hiện nay, toàn tỉnh có 2.040 TTHC, trong đó cấp tỉnh có 1.593 TTHC; cấp huyện có 302 TTHC; cấp xã có 145 TTHC. Từ năm 2016 đến hết tháng 5/2020 đã có hơn 135.000 lượt hồ sơ được thực hiện cắt giảm, tiết kiệm chi phí được hơn 70 tỷ đồng.
Lào Cai đã tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, chuẩn bị khai trương Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh. Triển khai hệ thống dịch vụ hành chính công tích hợp hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh, huyện, xã; cung cấp 100% TTHC dịch vụ công trực tuyến mức độ 1,2; cung cấp trên 200 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 bảo đảm thuận tiện, công khai, minh bạch. Đến nay, cơ bản thời gian giải quyết các thủ tục giảm 30% so với quy định. Tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tỉnh đạt trên 96%.
Trong cải cách bộ máy nhà nước ở địa phương, Lào Cai đã tiến hành sắp xếp lại cơ cấu, đội ngũ theo hướng tinh, gọn, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế từ tỉnh đến cơ sở, đã góp phần giảm thiểu sự cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các ngành, đơn vị. Song song với đó, Lào Cai cũng có nhiều bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính công, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá công sở… Đến năm 2020 có 14/14 chỉ tiêu chính của Đề án đạt và vượt kế hoạch.
Những nỗ lực trong CCHC của Lào Cai trong thời gian qua đã mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần làm cho nền hành chính trở nên dân chủ, minh bạch, có tính chuyên nghiệp hơn, góp phần đổi mới và nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ, công chức, đồng thời tạo thuận lợi và niềm tin cho người dân, doanh nghiệp.
Thời gian tới, Lào Cai sẽ tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức (CBCC) trong thực thi công vụ, nhất là CBCC làm việc thuộc các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai hiệu quả mô hình “Chính quyền thân thiện của dân, do dân, vì dân” và “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ” nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, của CBCC.
Lào Cai tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải cách TTHC, nhất là các TTHC liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư có sử dụng đất và TTHC trong lĩnh vực hải quan, tài nguyên và môi trường, xây dựng, giáo dục. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp tinh giản bộ máy biên chế theo Quyết định đã được Tỉnh ủy phê duyệt ban hành; hoàn thiện cơ chế phân cấp tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra; đồng thời đề cao vai trò chủ động, tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực của từng cấp, từng ngành.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc; thường xuyên thanh tra, kiểm tra công tác cải cách hành chính ở các cơ quan, đơn vị, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Từ đó, phục vụ đắc lực cho sự phát triển của địa phương./.