Những năm gần đây tỉnh Lào cai đã thực hiện nhiều chương trình hướng tới đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Bước đầu những chương trình thực hiện của lào Cai đã cho nhiều kết quả khả quan.
Tại Bản Tả Phìn thuộc huyện Sa Pa, cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 17km về hướng Đông. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Dao Đỏ với nghề thổ cẩm nổi tiếng. Để phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, Tả Phìn định hướng thành lập và liên kết các hợp tác xã (nông nghiệp, dịch vụ du lịch, tiểu thủ công nghiệp) trong chuỗi giá trị du lịch cộng đồng.
Cùng với đó, tiếp tục nhân rộng mô hình quản lý du lịch cộng đồng, tạo sinh kế và thu nhập bền vững cho cộng đồng, hộ kinh doanh, sản xuất phục vụ phát triển du lịch. Đến với Tả Phìn, du khách không chỉ được biết đến với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, nơi đây còn hấp dẫn du khách bởi bản sắc văn hoá truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc địa phương, trong đó, nghề dệt thổ cẩm của người Mông và tắm lá thuốc của người Dao đỏ là 2 “đặc sản” không thể bỏ qua của du khách khi đến mảnh đất này.
Đặt chân đến các bản dân tộc ở Tả Phìn, điều đầu tiên thu hút du khách chính là hình ảnh những phụ nữ Mông duyên dáng trong trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu. Vào sâu bên trong bản, du khách sẽ thấy các bà, các chị miệt mài ngồi se lanh, dệt vải ngay trước cửa nhà.
Chính từ những đôi bàn tay khéo léo, tài hoa đó đã tạo ra rất nhiều sản phẩm thổ cẩm phong phú, đa dạng, đủ kiểu dáng và màu sắc như: ba lô, túi khoác du lịch, túi xách tay, ví, tranh, khăn, áo, mũ. Khi đến đây du khách đã không quên mua cho mình món quà làm kỷ niệm.
Không chỉ ở Tả Phìn, tại Lào Cai, mỗi bản làng, mỗi dân tộc đều khai thác và phát huy bản sắc văn hóa riêng để phát triển du lịch. Huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai có chợ Văn Hóa Bắc Hà nằm ở trung tâm huyện Bắc Hà cũng được chính quyền quan tâm đầu tư hướng phát triển bản sắc vốn có của chợ phiên.
Từ khi được quan tâm đầu tư phát triển du lịch tại đây, chợ phiên Bắc Hà đã ngày càng có nhiều du khách đến tham quan ngu ngoạn. Chợ phiên được tổ chức duy nhất một lần trong tuần vào ngày Chủ nhật nơi tập trung hầu hết các dân tộc trong Huyện hội tụ về đây với những trang phục đa chủng tộc đầy mầu sắc như: Mông, Dao , Phù Lá, Tày, Nùng, La Chí Đến với chợ phiên Bắc Hà du khách khám phá nét độc đáo của phiên chợ còn mang đậm phong tục, tập quán của người vùng cao.
Chợ Văn Hóa Bắc Hà – một trong những chợ phiên lớn nhất ở vùng núi phía Bắc Việt Nam và chợ phiên Bắc Hà đã từng được bình chọn là một trong 10 chợ phiên độc đáo nhất khu vực Đông Nam Á.
Chợ Bắc Hà là nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa địa phương với hàng hóa ngoài tỉnh, và là nơi giao lưu gặp gỡ về văn hoá giữa các dân tộc ở địa phương. Khi xuống núi, bao giờ người dân cũng mặc những bộ váy áo mới sặc sỡ đủ màu để đến chợ Bắc Hà, họ xem đây như ngày hội xuống núi, phong tục này vẫn duy trì đến ngày nay.
Chợ Bắc Hà được chia ra những khu chợ nhỏ mang tính đặc trưng trao đổi như: chợ thổ cẩm, chợ ẩm thực, chợ ngựa (ngựa Bắc Hà), chợ gia cầm, chợ thực phẩm, chợ chim, chợ rèn đúc. Mỗi khu chợ đều phong phú đa dạng và mang đậm bản sắc dân tộc địa phương.
Ngoài một số nơi phát triển du lịch với bản sắc văn hóa vốn có của địa phương thì một số bản lại phát triển dịch vụ bán hàng lưu niệm, nước uống, dịch vụ khuân vác thuê, dịch vụ dẫn đường tại các điểm nghỉ chân theo tuyến Sa Pa – Sín Chải – Cát Cát – Sa Pa.
Từ thực tế trên cho thấy, khi mô hình du lịch cộng đồng phát triển tại bản làng, người dân được hoàn toàn làm chủ các hình thức kinh doanh của mình và thu lợi ích trực tiếp từ hoạt động kinh doanh đó, mang lại cuộc sống ấm no.
Việc phát triển các mô hình dịch vụ du lịch, cơ sở sản xuất hàng lưu niệm, trang phục dân tộc, đồ trang sức, ẩm thực, thuốc tắm của người dân bản địa đã góp phần cải thiện cuộc sống hằng ngày của người dân, đồng thời góp phần gìn giữ nghề thủ công truyền thống. Phát triển du lịch cộng đồng nông thôn đã mang lại những lợi ích thiết thực, trực tiếp cho người dân. Điều này, không chỉ có ý nghĩa riêng với ngành văn hóa, du lịch, mà còn có những tác động tích cực đối với chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lào Cai.
Không chỉ quan tâm đầu tư phát triển các nghề truyền thống, để thu hút khách du lịch, các bản làng đã quan tâm nhiều hơn tới việc đảm bảo vệ sinh môi trường, tôn tạo cảnh quan, chỉnh trang nhà ở, các công trình phụ trợ để du khách đến có môi trường trong lành.
Được biết, Lào Cai dự kiến từ nay đến năm 2025 sẽ xây dựng thí điểm các điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh. Xây dựng các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Theo đó, Lào Cai phát huy lợi thế riêng sẵn có của từng địa phương, phấn đấu mỗi huyện đạt chuẩn nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn mang tính đặc trưng của địa phương. Thực hiện chương trình này, giai đoạn 2023 – 2025, các cơ quan chuyên môn sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình thí điểm, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý du lịch, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch.
Phấn đấu từ nay đến hết năm 2025, Lào Cai có mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc vốn có.
Thanh Hoài