Truyền thông về công tác giảm nghèo bền vững hướng đến đối tượng thụ hưởng chính sách
(TT Dịch vụ Việc làm tỉnh Lào Cai tư vấn cho người lao động tại Hội chợ việc làm cấp tỉnh tháng 11/2022)
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, thực hiện Nghị định 07/2021/NĐ-CP của Chính Phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, việc chuyển đổi và áp dụng phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều sang đo lường nghèo đa chiều từ năm 2022 được thực hiện không chỉ bằng nhóm tiêu chí thu nhập mà bằng nhóm tiêu chí dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ), bao gồm: Việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin. Cùng với đó là các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: Việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin. Chính vì vậy, nhận thức và hành động của nhiều ngành, nhiều cấp và của chính người dân – đối tượng trực tiếp của các chính sách giảm nghèo đòi hỏi phải thay đổi.
Truyền thông và giảm nghèo về thông tin là một trong 7 dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, trong đó có 02 tiểu dự án: Giảm nghèo về thông tin và Truyền thông về giảm nghèo đa chiều. Để thực hiện có hiệu quả các dự án truyền thông giảm nghèo về thông tin, giảm nghèo đa chiều, sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch công tác tuyên truyền tỉnh Lào Cai, trong đó định hướng tuyên truyền toàn diện, đồng bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện công tác thông tin – truyền thông thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao năm 2022. Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành lập đoàn công tác, tiến hành kiểm tra và nắm bắt thực tế tình hình triển khai điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 tại xã Xuân Thượng và xã Xuân Hòa của huyện Bảo Yên. Tập trung xây dựng hệ thống thông tin cơ sở ứng dụng công nghệ số, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin nguồn tuyên truyền, phổ biến đến người dân và phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá, đối với chỉ tiêu thuộc nhóm chiều thiếu hụt về thông tin đến nay toàn tỉnh đã có 91,8% các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn huyện nghèo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông, đạt 99,8% mục tiêu năm 2022 và đạt 96,6% mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025.
Để góp phần thay đổi về nhận thức của người nghèo về vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc xóa nghèo, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh đã tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông về giảm nghèo rất phong phú và đa dạng với nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở; treo băng rôn, pano truyền thông giảm nghèo ở các vị trí công cộng; tổ chức đối thoại chính sách giảm nghèo ở cơ sở; phát hành tài liệu, tờ rơi tuyên truyền chính sách và hướng dẫn cán bộ giảm nghèo và người dân về quy trình rà soát thống kê hộ nghèo hàng năm. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông về phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng. Các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đơn cử, huyện Mường Khương là một trong 4 huyện nghèo của tỉnh và có 5/10 xã nghèo nhất tỉnh. Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, huyện đã lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án và triển khai các giải pháp để tổ chức thực hiện, trong đó, truyền thông về giảm nghèo đóng vai trò quan trọng. Ông Nông Văn Minh, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Mường Khương cho biết: Bên cạnh triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân phát huy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó xác định, công tác tuyên truyền phải được tổ chức thường xuyên, liên tục, nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, như: Thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo nhanh và bền vững; các chính sách hỗ trợ người dân thiếu vốn, thiếu đất sản xuất; đề án phát triển giáo dục; giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, gương điển hình thoát nghèo để nhân rộng trong cộng đồng dân cư…, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đáng kể, từ 47,44% năm 2021 xuống còn 39,74% cuối năm 2022, giảm so với năm 2021 là 7,7%.
Một trong số những người lao động ở vùng “lõi” nghèo nhất tỉnh, chị Cừ Thị Chứ ở Thôn Dền Thàng 2, xã Dền Thàng, huyện Bát Xát cho biết: Qua những lần được dự các buổi tuyên truyền về tư vấn, giới thiệu việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai tổ chức tuyên truyền tại xã, chị đã mạnh dạn đăng ký đi lao động xa nhà. Lần đầu tiên đi lao động xã nhà nên chị khá lo lắng, song được chính quyền xã và doanh nghiệp tuyển dụng lao động quan tâm, động viên, cho xe đưa lao động đến tận nơi làm việc nên chị và gia đình rất yên tâm. Chị mong muốn sẽ gắn bó, làm việc lâu dài với công ty để có thu nhập ổn định, phụ giúp gia đình. Hiện nay chị Cừ Thị Chứ đang làm việc tại Công ty TNHH công nghiệp Brother Việt Nam (tỉnh Hải Dương) với công việc ổn định có thu nhập 8 triệu đồng/tháng, mỗi tháng chị gửi về nhà 4 triệu đồng để hỗ trợ gia đình.
Thời gian tới, công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin tiếp tục được triển khai đồng bộ, quyết liệt; cùng với việc huy động thêm các nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp và người dân để thực hiện có hiệu quả, bền vững mục tiêu giảm nghèo đề ra. Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở trong việc tuyên truyền, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung và chính sách về giảm nghèo bền vững nói riêng đến mọi tầng lớp Nhân dân. Sử dụng đa dạng hình thức tuyên truyền đến tận cơ sở; đảm bảo nội dung thông tin tuyên truyền phong phú, đa dạng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thông tin thiết thực của người dân./.