Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường. |
Những lợi thế riêng
Lào Cai sở hữu những lợi thế riêng, có nhiều tiềm năng, thế mạnh mang tính so sánh cao, thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội.
Lào Cai có thế mạnh về phát triển Khu kinh tế cửa khẩu: Lào Cai nằm ở vị trí trung tâm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, là nơi trung chuyển hàng hóa, dịch vụ, mậu dịch giữa thị trường Tây Nam (Trung Quốc) với Việt Nam và các nước ASEAN. Đây là tuyến đường ngắn nhất (khoảng 854 km) để đi từ Côn Minh – thủ phủ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) ra đến cảng biển.
Lào Cai có hai cặp cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt) và nhiều cửa khẩu phụ, lối mở với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cùng với hệ thống giao thông liên vùng gồm: Đường bộ cao tốc, đường sắt, đường thủy và tương lai gần có đường hàng không; Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai với tổng diện tích 15.929,8 ha có cơ sở hạ tầng, dịch vụ tương đối đầy đủ và là một trong tám khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được Chính phủ đầu tư.
Tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn hàng năm duy trì trên 20% (năm 2020 đạt trên 4 tỷ USD, năm 2021 đạt 3,5 tỷ USD). Trong thời gian tới, khi Cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) đi vào hoạt động, kết nối được vùng Tây Nam Trung Quốc ra Biển Đông, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu qua Lào Cai sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Lào Cai có thể phát huy thế mạnh về du lịch do sở hữu địa hình và khí hậu đặc thù, với nhiều địa danh nổi tiếng như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát… cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể, vật thể, như có dãy núi Hoàng Liên với đỉnh Fansipan cao 3.143m (được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương). Lượng khách du lịch đến với Lào Cai giai đoạn 2015-2019 tăng trưởng bình quân 22% (năm 2020, 2021 do ảnh hưởng dịch Covid-19, lượng khách du lịch giảm mạnh).
Với khí hậu mát mẻ, thuận lợi cho phát triển các cây ôn đới nên Lào Cai có nhiều mô hình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao như: Quả lê, quả mận, quả đào, hoa, rau ôn đới, cá nước lạnh và đặc biệt phát triển cây dược liệu (nằm trong vùng quy hoạch quốc gia Việt Nam).
Với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, Lào Cai có nhiều thế mạnh về phát triển công nghiệp: Sở hữu trên 35 loại khoáng sản, có những loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chất lượng cao như: Apatit, mỏ sắt Quý Sa, Mỏ đồng Sin Quyền… Ngoài ra, tỉnh Lào Cai còn có hàng chục loại khoáng sản quý hiếm khác như vàng, bạc, đá quý, chì…
Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh với tỷ lệ doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh đạt trên 95%, trong đó Khu công nghiệp Tằng Lỏng là khu công nghiệp luyện kim, hóa chất lớn nhất của Việt Nam, tập trung nhiều dự án công nghiệp chế biến lớn như: Nhà máy luyện đồng công suất 10.000 tấn/năm (đang nâng thêm công xuất 20.000 tấn/năm); Nhà máy phân bón DAP số 2 Lào Cai công suất 330.000 tấn/năm; Nhà máy Gang thép Lào Cai công suất 1.000.000 tấn/năm; 20 nhà máy chế biến phân bón, hóa chất các loại…
Lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án trực tiếp nước ngoài (FDI) Trung tâm thương mại Go! Lào Cai, ngày 20/1/2021. (Nguồn: TTXVN) |
Đối ngoại mở đường hội nhập, tăng cường hợp tác quốc tế
Trong giai đoạn mới, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025: “Xây dựng Lào Cai phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam – Trung Quốc”.
Bám sát đường lối, chính sách đối ngoại của đất nước trong tình hình mới, tỉnh Lào Cai vận dụng linh hoạt các biện pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn. Qua thực tế, quan hệ đối ngoại đã mở đường cho Lào Cai tăng cường hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế, điển hình như việc hợp tác, trao đổi ngoại giao giữa lãnh đạo tỉnh với Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, trong đó Đại sứ quán Vương quốc Anh, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch, Ấn Độ… đã đến thăm và làm việc tại Lào Cai.
Tỉnh cũng chủ động triển khai các buổi tiếp xúc, làm việc với cơ quan hợp tác quốc tế tại Việt Nam nhằm đẩy mạnh việc thu hút tài trợ nguồn lực phát triển cho tỉnh như với đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA)… Thông qua các tổ chức này, tỉnh Lào Cai có điều kiện mở rộng hợp tác với các địa phương, điển hình như mối quan hệ đặc biệt với thành phố Gyeongsan (Hàn Quốc).
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 28 chương trình, dự án ODA được triển khai, trong đó có 11 chương trình, dự án chuyển tiếp của giai đoạn 2010-2015 và 17 chương trình dự án được khởi công mới.
Bên cạnh việc duy trì và củng cố các mối quan hệ hữu nghị truyền thống của tỉnh Lào Cai với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tỉnh Lào Cai tăng cường mở rộng các mối quan hệ hợp tác mới với các tổ chức, địa phương nước ngoài như vùng Nouvelle Aquitaine (Pháp), vùng Vancouver (Canada) và các tỉnh miền Tây Nam Trung Quốc…. Qua đó, tỉnh Lào Cai đã ký kết thêm nhiều chương trình hợp tác quốc tế, làm cơ sở để phát triển toàn diện các lĩnh vực công tác mà điển hình là Chương trình hợp tác phi tập trung giữa tỉnh Lào Cai với vùng Nouvelle Aquitaine.
Hợp tác quốc tế đã tạo môi trường thuận lợi để Lào Cai thu hút nguồn ngoại lực phục vụ các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có có 29 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 624,81 triệu USD. Các dự án đa dạng, trên các lĩnh vực công nghiệp khai thác, chế biến, du lịch – dịch vụ; các dự án thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp thủy sản chiếm tỷ lệ thấp, quy mô nhỏ; trong khi nhiều dự án có doanh thu lớn, phát huy hiệu quả cho kinh tế địa phương như với lĩnh vực thương mại, dịch vụ du lịch, tiêu biểu là Dự án kinh doanh khách sạn cao cấp của Victoria Sa Pa với doanh thu khoảng 3 triệu USD/năm; Dự án xây dựng khu du lịch sinh thái của Topas EcoLodge đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm…
Năm 2021, tỉnh Lào Cai cũng đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 28 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư 5.726,44 tỷ đồng. Việc triển khai thực hiện giải ngân các dự án thu hút đầu tư đóng góp quan trọng cho động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh được triển khai hiệu quả, góp phần trong thu hút vồn đầu tư toàn xã hội. Giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 135.000 tỷ đồng tăng bình quân trên 20%/năm; năm 2021 ước đạt trên 40.000 tỷ đồng.
Mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng, nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội của tỉnh trong năm 2021, song hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, duy trì mức tăng trưởng cao. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trưởng đều ở cả 3 lĩnh vực là khai thác, chế biến chế tạo và điện nước. Song song với đó, hoạt động kinh doanh thương mại, các ngành dịch vụ vận tải, logistics phát triển đa dạng, thị trường được mở rộng.
Những thành tựu trong công tác đối ngoại khẳng định sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh Lào Cai vào điều kiện thực tế địa phương, cũng như tinh thần đoàn kết, thống nhất, đồng lòng của nhân dân các dân tộc Lào Cai quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, góp phần xây dựng thành công một mô hình tỉnh miền núi, biên giới có quan hệ hợp tác quốc tế mở rộng, nền kinh tế – xã hội phát triển và tình hình an ninh chính trị ổn định.