Dự Lễ phát động tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Tại Lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã báo cáo công tác chuẩn bị sẵn sàng triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc và phát động chiến dịch. Theo đó, mục tiêu lớn nhất của chiến dịch là tổ chức tiêm chủng cho người dân trong độ tuổi tiêm chủng nhiều nhất, nhanh nhất để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vắc xin phòng Covid-19 qua nhiều kênh khác nhau. Đến nay, đã có khoảng 105 triệu liều từ các nguồn cung ứng khác nhau được cam kết phân bổ cho Việt Nam. Việt Nam phấn đấu đặt mục tiêu cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, ước khoảng 70% dân số Việt Nam phải được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Riêng tháng 7/2021, hơn 8 triệu liều vắc xin sẽ về đến Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu dự lễ tiếp nhận hơn 2 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 Moderna của Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ thông qua cơ chế COVAX (Ảnh: nguồn Internet) |
Chiến dịch sẽ có nhiều điểm thay đổi so với Chương trình tiêm chủng quốc gia đã và đang thực hiện của nước ta. 6 điểm mới trong chiến dịch tiêm chủng này là: Thứ nhất, khâu vận chuyển phân phối, bảo quản vắc xin đã thiết lập hoàn toàn mới dựa vào lực lượng quân dội, vắc xin sẽ bảo quản tại các kho của các quân khu mà Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế đã phối hợp thiết lập đạt tiêu chuẩn bảo quản GSP. Sau đó, vắc xin sẽ được chuyển tới tất cả các điểm tiêm ở các quận, huyện của các địa phương một cách nhanh nhất, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng vắc xin. Thứ hai, chiến dịch huy động một lực lượng lớn tổ chức tiêm chủng tại tất cả các điểm tiêm di động, cố định. Dựa vào mạng lưới hệ thống y tế cơ sở của dân sự và y tế của quân đội, công an để triển khai đồng loạt công tác tiêm chủng, từ đó, tăng tiến độ bao phủ vắc xin cho Nhân dân.
Đại biểu dự Lễ phát động tại điểm cầu tỉnh Lào Cai. |
Điểm mới thứ ba của chiến dịch là đảm bảo an toàn tối đa cho người tiêm chủng. Công tác khám sàng lọc, theo dõi, giám sát chặt chẽ sức khỏe sau tiêm được triển khai trên toàn tuyến. Cùng với đó, các chuyên gia đầu ngành về nhiều lĩnh vực điều trị, dự phòng luôn sẵn sàng hỗ trợ tất cả các điểm tiêm. Thứ tư, Bộ Y tế đã sửa tất cả các hướng dẫn chuyên môn trên nguyên tắc đảm bảo cho người tiêm. Thứ năm là sự phối hợp chặt chẽ và đẩy mạnh ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng. Đáng lưu ý nhất là ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” với các thông tin về tiêm chủng như: đăng ký tiêm chủng, nhật ký tiêm chủng, theo dõi sau tiêm… Từ đó, hình thành nên mã số cho mỗi người dân đã tiêm để cấp QR- Code; thiết lập giám sát chất lượng vắc xin. Thứ sáu là Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc xin đã thành lập tiểu ban giám sát chất lượng tiêm chủng, hoạt động mang tính chất độc lập tương đối để giám sát mọi hoạt động của quy trình tiêm chủng từ vận chuyển, bảo quản, phân bổ và tiêm chủng.
Để chiến dịch thành công, Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Chiến dịch mong muốn nhận được sự hưởng ứng tích cực và hợp tác, hiệu quả kịp thời của cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội và toàn thể người dân. Bộ Y tế kêu gọi toàn thể người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện phòng, chống dịch; xác định việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với đất nước.
Phát biểu tại Lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việc sử dụng vắc xin trong thời gian qua đã nhận được sự đồng lòng chia sẻ của Nhân dân. Những liều vắc xin đầu tiên về Việt Nam được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Vắc xin được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả. Tôi đang cảm nhận được tình người sâu sắc bằng sự cảm thông của đồng bào dành cho nhau. Nhiều người chia sẻ mong muốn trong lúc này, vắc xin chưa có nhiều sẽ dành cho đồng bào ở những nơi dịch bệnh đang diễn ra phức tạp để tiêm trước mà không so bì, tính toán, thể hiện tình cảm đồng chí, đồng bào rất nồng nhiệt, ấm cúng và thể hiện tình cảm tương thân tương ái của dân tộc ta… Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn nhưng càng khó khăn gian khổ, chúng ta càng phải đoàn kết thống nhất, phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc cùng nhau chia sẻ, cùng nhau quyết tâm trên dưới một lòng thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng vắc xin…
Tại Lào Cai, trong đợt tiêm chủng lần này, sẽ có hai loại vắc xin mới được triển khai tiêm là vắc xin Sinopharm và vắc xin Comirnaty của Pfizer–BioNtech. Theo Quyết định, Bộ Y tế sẽ cấp 500.000 liều vắc xin phòng Covid-19 (Vaccine Vero Cell) của Sinopharm được Chính phủ Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam cho 10 đơn vị, địa phương trong cả nước. Trước mắt, Lào Cai được phân bổ 17.300 liều. Dự kiến, số vắc xin này sẽ được ưu tiên tiêm cho 3 nhóm: Người dân ở các xã giáp biên giới với Trung Quốc, người có nhu cầu trao đổi, hoạt động thương mại, dịch vụ với Trung Quốc và công dân Trung Quốc sống và làm việc trên địa bàn. Dự kiến chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 4 sẽ bắt đầu từ trung tuần tháng 7/2021. |