Công trình cầu Móng Sến góp phần thúc đẩy phát triển Khu Du lịch quốc gia Sa Pa. Ảnh: Ngọc Bằng |
Thử điểm số liệu qua báo cáo của Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm bình quân trên 10,02%, thu nhập bình quân đầu người đạt 76,3 triệu đồng (giai đoạn 2010 – 2015), đứng thứ 2 trong các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước, năm 2020 thu 9.500 tỷ đồng, gấp 1,72 lần năm 2015. Hướng phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế vững ở mức 10% năm, thu ngân sách trên địa bàn đạt 15.500 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 126 triệu đồng/năm… Đời sống đồng bào các dân tộc được cải thiện nâng cao, các chính sách an sinh xã hội dần được bảo đảm. Đến nay, Lào Cai đã có 66/127 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và phấn đấu đến năm 2025 đạt 60% tổng số xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Kinh tế phát triển kéo theo mọi mặt của đời sống xã hội từng bước chuyển biến rõ nét. Có đi đến các vùng cao, vùng sâu mới thấy cơ bản cuộc sống của người dân được cải thiện, được tiếp cận với các vấn đề an sinh xã hội, tiếp cận các phương tiện truyền thông nâng tầm hiểu biết khoa học kỹ thuật, xã hội. Những năm qua, Lào Cai đã phát triển kinh tế – xã hội có những bước đột phá thành công. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch dần từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ – du lịch. Lấy phát triển kinh tế du lịch làm mũi nhọn, nông lâm nghiệp làm nền tảng, công nghiệp là đột phá.
Lào Cai từ một tỉnh miền núi, biên giới, điểm xuất phát thấp, thuộc diện tỉnh nghèo, khó khăn. Song bù lại, Lào Cai có nhiều tiềm năng, lợi thế, được thiên nhiên hào phóng ban tặng, đó là nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào về trữ lượng, phong phú về chủng loại: mỏ quặng Apatit Cam Đường, mỏ sắt Quý Xa ở Văn Bàn, mỏ đồng Sin Quyền – Bát Xát, mỏ vàng ở Minh Lương – Văn Bàn… đều có trữ lượng lớn. Song, Lào Cai đã xác định tài nguyên khoáng sản không phải là vô tận. Do vậy, khai thác có lộ trình, tiết kiệm tài nguyên, đi sâu vào công nghệ chế biến tinh là điều tiên quyết. Trong những năm qua, khoáng sản đã được chế biến đến thành phẩm cuối cùng, nâng hiệu quả sử dụng tài nguyên quốc gia. Khu công nghiệp Tằng Loỏng là nơi tập trung các nhà máy công nghiệp chế biến như: Nhà máy Gang thép Việt Trung, Nhà máy Luyện đồng Tằng Loỏng, Nhà máy Tuyển Apatit, Nhà máy phốt pho… cùng các nhà máy phụ trợ đang hoạt động có hiệu quả. Khu công nghiệp Tằng Loỏng là minh chứng cho sự chuyển dịch phát triển công nghiệp và cán cân kinh tế. Có điều mà mọi người đang lo ngại, đi đôi với phát triển kinh tế là tác động về môi trường, đặt ra thách thức lớn cho các nhà quản lý.
Đường giao thông nông thôn tạo sức bật mới trong phát triển kinh tế – xã hội các xã vùng cao. |
Lào Cai còn có nguồn tài nguyên quý giá hơn, đó là đại ngàn xanh tươi. Chúng ta tự hào đang gìn giữ màu xanh rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, mái nhà của đất nước. Đa dạng sinh học cũng đang được bảo tồn và phát triển tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn, Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát… Đặc biệt, Lào Cai có các tiểu vùng khí hậu và bản sắc văn hóa bản địa của 25 dân tộc. Các khu du lịch nghỉ mát nổi tiếng lý tưởng như Sa Pa, Bắc Hà, Y Tý… hằng năm đón hàng triệu du khách đến với Lào Cai, đem lại cho nguồn thu từ du lịch hàng nghìn tỷ đồng. Các lợi thế đó đang đặt ra cho Lào Cai phải biết bảo tồn, khai thác và phát triển một cách căn cơ và bền vững.
Nếu ai đó lâu ngày nay trở lại Lào Cai không khỏi ngỡ ngàng về sự đổi thay. Mọi áp đặt quá khứ đều bị chật hẹp bởi những không tưởng, để tự mở lòng yêu thương đất và người nơi đây. Những con đường cứ rộng ra, dài thêm lan tỏa về bản làng xa xôi. Đó là cuộc cách mạng lớn về hạ tầng giao thông. “Phú đặng tự lộ” – giàu lên phải từ đường. Câu nói của người xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Con đường huyết mạch giao thông, mọi giao thương phát triển vùng miền phải từ đường. Con đường đã thể hiện ý chí và quyết tâm của người Lào Cai vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no. Đường đã đưa miền xuôi đến với miền ngược, sát cánh cùng nhau dựng xây cuộc sống, bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Hành trình ta làm người lữ khách để rộng dài biên ải hiểu hơn đất quê hương. Men theo dòng sông Chảy xôn xao sóng nước chuyện huyền bí Cốc Ly, ngược cao nguyên Bắc Hà yêu thương trong rực rỡ sắc màu thổ cẩm chợ phiên, trong mênh mông màu trắng tinh khiết hoa mận, hoa lê. Bước chân phiêu lãng đến Si Ma Cai hoang sơ mà trầm tư cổ tích. Men đường biên vượt sông La Hờ xanh ngắt trong thương nhớ Tả Gia Khâu, nơi cánh chim Phượng phía đông. Rộng đường xuôi về đất rồng hoa Pha Long máu lửa một thời. Tả Ngài Chồ đậm màu huyền thoại. Đâu đâu ta cũng gặp những điều mới lạ, những điều kỳ thú và cả những điều làm ta ngậm ngùi. Lại nhớ trong ta nơi sông Hồng chạm vào đất Việt điểm cột mốc 92 Lũng Pô, ngã ba dòng sông phân định chủ quyền. Đứng đây ta cảm nhận được dòng phù sa dào dạt vỗ về, mà tự hào là người Lào Cai con Rồng cháu Tiên.
Vùng chè chất lượng cao ở Bảo Thắng. |
Du lịch luôn là thế mạnh phát triển kinh tế hiện nay. Văn hóa càng đậm đà thêm bản sắc cũng thông qua du lịch mà thêm vững bền. Tôi lại nhớ chuyến lên khu du lịch Bắc Hà cao nguyên trắng ngày xuân mà lòng bao lưu luyến. Qua đoạn dốc dồn chân đứng nghỉ, sảng khoái thả hồn theo gió, mây. Chợt bên khe tiếng hát ríu ran như tiếng chim cư cứ gọi mặt trời “Đêm đã qua sao lượn vòng đổi chỗ/Ngày đã rạng lối đi sáng tỏ/Ta lê bước về nhà/Mà hồn như còn ngủ ở thắt lưng em…/Mà hồn như còn bên tà váy em/… Mà ngỡ hồn như còn ngủ bên ngực em” (Dân ca Mông). Câu hát rủ rỉ làm tôi thổn thức nhớ về đêm trăng huyền ảo cao nguyên. Câu dân ca “gầu plềnh” em trao, khúc tình ca em tặng. Hội Gầu tào đã tan, mùa hoa tớ dảy đang thắm, anh nhớ lời kèn môi em nhắn, lời kèn lá tỏ bày, ngọt như nước đầu nguồn. Để nghe câu hát lòng dạ vấn vương, nỗi niềm chống chếnh, lại rạo rực bàn chân ngược về phía núi mà mơ.
Bản sắc văn hóa độc đáo các dân tộc Lào Cai là kho báu lớn cho du lịch phát triển bền vững. Nếu ta biết phát huy và bảo tồn đúng thì mỏ tài nguyên lớn này sẽ là thế mạnh, mũi nhọn tăng trưởng kinh tế của Lào Cai.
Người Lào Cai nuôi khát vọng giàu đẹp, tấm lòng của núi nói lời chân thật. Người Lào Cai kiên gan trong gió rét, mưa sa, vượt qua nghèo khó, hiền hòa, thủy chung, giàu tình nghĩa, sống để yêu thương. Ai đã đến với xứ sở này đều bị dụ dẫn bởi phong cảnh núi non hùng vĩ, bởi những bản sắc văn hóa các dân tộc và tấm lòng thân thiện hiếu khách. Các món ẩm thực độc đáo bản địa để một lần mãi không quên, say đất say người ấm nồng như giọt rượu Sim San, Sán Lùng, Bản Phố… Trong cả nụ cười ánh mắt người ơi! Nhấp một chén như là ngàn chén, uống từ đầu bản cuối bản thấy thơm, uống ba năm còn nhớ về xứ núi.
Trong Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã nêu lên tầm khát vọng của người Lào Cai đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 và 2045 bằng những dấu ấn cụ thể: Lào Cai sẽ trở thành tỉnh đứng đầu trong khu vực miến núi phía Bắc. Năm 2030 trở thành tỉnh có nền kinh tế khá trong cả nước… Những con số, những ước mơ khát vọng đó hoàn toàn có cơ sở bởi tiềm năng và thế mạnh của Lào Cai thành hiện thực. Các chủ trương, chính sách và định hướng cùng bản lĩnh, khát vọng của người Lào Cai đang vững bước tự tin trên con đường lớn đã “thảm” về đích ấm no, hạnh phúc.