Giai đoạn 2016 – 2020, cùng với các Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Lào Cai đã chủ động ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách đặc thù. Đó là, Nghị quyết số 22-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020; Nghị quyết số 20/NQ-TU ngày 24/5/2019 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020, tầm nhìn đến 2025 và có xét đến năm 2030; Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ngày 10/7/2019 về sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay phát triển kinh tế – xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2019-2025; Nghị quyết số 09/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND tỉnh về quy định mức chi đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh Lào Cai… Tổng vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 tại Lào Cai trên 3.000 tỷ đồng.
Mô hình trồng cây dược liệu đang mở ra hướng thoát nghèo cho người dân Lào Cai.
Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân 5,22%/năm, năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn 8,2%, tương ứng 14.322 hộ; tỷ lệ giảm nghèo vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (mục tiêu giảm nghèo từ 3% – 4%/năm). Hộ cận nghèo còn 16.370 hộ, chiếm 9,37%. Tỷ lệ giảm nghèo các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai) bình quân giảm 8,6%/năm (mục tiêu Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ là giảm 4%/năm).
Tỉnh Lào Cai xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Trong mỗi giai đoạn, tỉnh Lào Cai đều phân tích, đánh giá kỹ về thực trạng, nguyên nhân nghèo, xác định “lõi” nghèo, từ đó đưa ra các giải pháp chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả tại các địa phương. Tỉnh chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững; đặc biệt gắn trách nhiệm của người đứng đầu từ tỉnh đến xã đối với nhiệm vụ giảm nghèo.
Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, Lào Cai phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3% – 5%/năm trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo giảm từ 6%/năm trở lên. Giảm hộ cận nghèo hằng năm từ 2.000 hộ trở lên. Đến năm 2024, huyện Bảo Thắng và thành phố Lào Cai cơ bản không còn hộ nghèo. Phấn đấu trên 60% số xã có tỷ lệ hộ nghèo đạt chuẩn tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 100% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu đều được hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.
Việc áp dụng chuẩn nghèo mới trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ khiến công tác giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tỉnh đã chủ động xây dựng các đề án, chương trình phát triển kinh tế – xã hội để phục vụ cho công tác giảm nghèo. Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đưa ra 7 nhiệm vụ trọng tâm và 2 lĩnh vực đột phá để phát triển kinh tế – xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Đề án số 10-ĐA/TU về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững; gắn chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình quốc gia, các dự án phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, đảm bảo cho người nghèo được thụ hưởng đúng, đủ và kịp thời các chương trình, chính sách, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.