Trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Quang Kim – huyện Bát Xát.
Sản xuất nông nghiệp luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định bình quân trên 6%/năm, cơ cấu sản xuất được điều chỉnh phù hợp và hiệu quả theo hướng tăng tỷ trọng các ngành hàng có thế mạnh, an ninh lương thực được đảm bảo, giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác năm 2020 ước đạt 75 triệu/ha (tăng 30 triệu so với năm 2015).
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng nhanh, ước thực hiện hết năm 2020 đạt 2.744 ha, bằng 109,7% mục tiêu Đề án; giá trị sản phẩm bình quân ước đạt 260 triệu đồng/ha/năm, bằng 100% mục tiêu Đề án. Sản xuất theo hướng ứng dụng một phần công nghệ cao đạt trên 14.515 ha tập trung tại các huyện Mường Khương, Bảo Thắng, Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên. Đây là tiền đề quan trọng để chỉ đạo hướng dẫn nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong các năm tiếp theo.
Chăn nuôi chuyển đổi theo hướng nâng cao chất lượng, đến nay Lào Cai đã có 504 trang trại, 8 cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao và hàng ngàn gia trại, 02 chuỗi chăn nuôi khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng. Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc và gia cầm tương đối ổn định, dự kiến hết năm 2020, tổng đàn gia súc chủ yếu đạt 639.500 con (đàn lợn 480.000 con, trâu 130.000 con, bò 19.500 con), tổng đàn gia cầm chủ yếu đạt 4.580 nghìn con; sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 60.000 tấn, bằng 118% so mục tiêu Đề án.
Diện tích nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng trưởng, diện tích nuôi trồng năm 2020 ước đạt 2.168 ha, sản lượng ước đạt 9.830 tấn, bằng 100,2% so mục tiêu Đề án. Công tác phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho gia súc được các địa phương tích cực thực hiện, ý thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt, đã chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi. Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được quan tâm tập trung chỉ đạo, khoanh vùng dập dịch hạn chế thấp nhất thiệt hại, tạo điều kiện ổn định và phát triển chăn nuôi.
Trồng rừng được các địa phương tích cực triển khai theo hướng đa mục đích, hết năm 2020 diện tích trồng rừng mới ước đạt 5.400 ha (giai đoạn 2016 – 2020, diện tích trồng mới đạt 36.121 ha, bằng 124,5% so mục tiêu Đề án), diện tích trồng rừng thâm canh đạt 75% tổng diện tích trồng rừng, tỷ lệ thành rừng sau trồng đạt trên 80%. Tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 56,01%, bằng 100% mục tiêu Đề án và mục tiêu Đại hội. Trồng rừng sản xuất đã từng bước chuyển từ quảng canh sang thâm canh, từ sản xuất cây gỗ nhỏ sang cây gỗ lớn; hiện đã có 5.730 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. Tiếp tục phát triển các loài cây lâm sản ngoài gỗ kết hợp với bảo vệ và phát triển rừng ổn định, bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tập hợp sức mạnh đoàn kết, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước được đồng bộ, đến nay 100% số xã có đường nhựa hoặc bê tông đến trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa. Hệ thống các công trình thủy lợi cơ bản đã đảm bảo chủ động tưới cho toàn bộ diện tích lúa; hệ thống điện nông thôn được quan tâm đầu tư; trường học các cấp từng bước được hoàn thiện với cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; vệ sinh môi trường nông thôn từng bước được cải tạo; đời sống của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt. Hết năm 2020, dự kiến có 54 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, bằng 108% mục tiêu Đề án và mục tiêu Đại hội (50 xã), bình quân tiêu chí đạt 15 tiêu chí/xã.
Qua 5 năm triển khai thực hiện, Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5 – 6%/năm. Đồng thời, làm thay đổi nhận thức của người dân trong phát triển sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; từng bước hình thành các vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó vấn đề sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm được quan tâm, chú trọng hơn từ khâu cung ứng nguyên liệu đầu vào đến tổ chức sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm. Từ đó từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất./.