Ảnh minh hoạ (ST)
Theo đó, đề nghị Ủy ban mặt trận tổ quốc (MTTQ) và các Đoàn thể tỉnh, cơ quan, đơn vị hoạt động trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, tập trung vào các nội dung mới. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Lồng ghép nội dung về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội của địa phương, cơ quan. Tăng cường huy động nguồn lực và các công cụ kinh tế trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, tập trung rà soát, thẩm định các hồ sơ pháp lý về môi trường, chú trọng các dự án có yếu tố nhạy cảm về môi trường (dự án sử dụng đất lúa, đất rừng…), các dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, tác động lớn đến môi trường (dự án khai thác khoáng sản, thủy điện, dự án công nghiệp…).
Tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Tập trung giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, trong đó trọng tâm vào các dự án xây dựng phát sinh khối lượng đất đá cần vận chuyển đổ thải lớn; các dự án trong các khu, cụm công nghiệp; khai thác, chế biến khoáng sản và các dự án tại các khu du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu theo hướng sản xuất các sản phẩm tiết kiệm nguyên liệu, giảm sử dụng các loại nguyên liệu độc hại, khó tái chế, tối ưu hóa thiết kế thuận tiện cho việc thu gom, phân loại và tái chế.
Bên cạnh đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với các siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm, hàng hoá, các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người dân,… trong các hoạt động mua sắm, tiêu dùng để giảm thiểu, hạn chế tối đa sử dụng túi nilông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần (ống hút nhựa, hộp xốp, cốc nhựa…); tăng cường thay thế, sử dụng bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường; thu hồi các sản phẩm thải bỏ, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải, góp phần tạo nền tảng quan trọng cho xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Phát động các phong trào cộng đồng như ra quân làm vệ sinh môi trường; trồng cây xanh; cải thiện, phục hồi môi trường tại các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, suối… Quan tâm giải quyết những vấn đề môi trường tại địa phương, đơn vị như thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý các loại chất thải phát sinh theo đúng quy định, các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng.
Tổ chức treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề bảo vệ môi trường (khuyến khích sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, các bảng, áp phích điện tử sẵn có…) tại nơi công cộng, đường phố chính, trụ sở cơ quan làm việc, nơi đông người qua lại nhằm nhắc nhở người dân cùng hành động bảo vệ môi trường.
Các cơ quan truyền thông, báo chí, các đài phát thanh, truyền hình: Tăng thời lượng đưa tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục, sản phẩm truyền thông đa phương tiện để người dân dễ dàng tiếp cận và thực hiện. Tập trung tuyên truyền các nội dung có liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn; giảm thiểu, từ chối sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy, đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh. Giới thiệu các hoạt động nổi bật, phổ biến các mô hình, giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả. Qua đó kịp thời phát hiện, động viên, biểu dương, khen thưởng những tập thể, doanh nghiệp, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, quản lý, giải pháp, sáng kiến thiết thực, mô hình hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường./.