Thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác tuần tra bảo vệ rừng của tổ bảo vệ rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn, tại ngã 3 suối thuộc Tiểu khu 518 khu vực giáp ranh với huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) tổ công tác bắt gặp một loài cá cóc lạ trên một đoạn suối khoảng 100 m với độ cao trên 1.650 m so với mực nước biển.
Một số chuyên gia về động vật của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) cho rằng, đây có thể là loài Cá cóc bụng hoa hay còn gọi là Cá cóc Tam Đảo có tên khoa học là Paramesotriton deloustali thuộc Lớp Ếch nhái, Bộ có đuôi, nhóm IIB của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ.
Tuy nhiên, để có kết quả khẳng định chính xác trong thời gian tới Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn sẽ phối hợp với các chuyên gia về động vật đặc biệt là chuyên gia về lớp Ếch nhái của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật xây dựng kế hoạch điều tra chuyên đề thu thập mẫu vật và có kết quả nghiên cứu cụ thể.
Đồng thời đơn vị này sẽ chỉ đạo lực lượng tổ bảo vệ rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng tại khu vực có loài cá này nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Khu bảo tồn Hoàng Liên Văn Bàn tiếp giáp với Vườn quốc gia Hoàng Liên Sa Pa có tổng diện tích tự nhiên 24.938,8 héc ta nằm trên địa bàn xã Nậm Xé, Nậm Xây và một phần diện tích xã Liêm Phú ( huyện Văn Bàn).
Đây là vùng rừng nguyên sinh nằm trên các sườn núi cao từ 800- 1.900 m, nhiều nơi chưa có dấu chân người. Hệ động vật trong Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn rất đa dạng về thành phần loài đặc trưng cho khu hệ động vật rừng vùng Tây bắc Việt Nam. Tại đây đã phát hiện có 486 loài động vật thuộc 89 họ và 27 bộ, trong đó lớp thú có 60 loài, lớp chim có 310 loài, lớp bò sát có 64 loài và lớp lưỡng cư có 52 loài…
Phạm Ngọc Triển