Lào Cai chú trọng nâng cao chất lượng dân số vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới với 25 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 66,22%. Bởi vậy việc nâng cao chất lượng dân số được tỉnh Lào Cai xác định là yếu tố đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh.
Những năm qua, công tác nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được cấp ủy đảng các cấp quan tâm lãnh đạo, triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Chỉ số phát triển con người (HDI) từng bước được cải thiện; mạng lưới chăm sóc sức khỏe và tổ chức bộ máy làm công tác dân số tiếp tục được kiện toàn và phát triển; tuổi thọ trung bình tăng qua các năm. Chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày càng cao; từng bước thực hiện tầm soát bệnh, tật bẩm sinh, trong 5 năm (2018- 2022) đã sàng lọc trước sinh cho trên 16.400 phụ nữ mang thai. Công tác chăm sóc dinh dưỡng được triển khai thực hiện hiệu quả, việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật được quan tâm thực hiện. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số, trong 5 năm đã hỗ trợ 685 phụ nữ.
Công tác tuyên truyền được triển khai với nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người đối với công tác dân số và phát triển trong giai đoạn mới. Các địa phương trong tỉnh đã đưa chính sách dân số vào hương ước, quy ước của thôn/tổ dân phố, việc thực hiện chính sách dân số là một trong sáu nội dung để xét đạt chuẩn gia đình văn hóa. Đồng thời triển khai chương trình truyền thông tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản thanh niên vị thành niên; duy trì mô hình khám sức khỏe trước khi kết hôn tại 10 xã/4 huyện, thành phố. Truyền thông chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, duy trì sinh hoạt câu lạc bộ tại 10 xã của 5 huyện, thành phố; 100 % trạm y tế thực hiện quản lý, theo dõi sức khỏe người cao tuổi. Xây dựng mô hình giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại 23 xã của 9 huyện, thành phố, thị xã. Năm 2022, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng giảm. Hoạt động truyền thông đã làm chuyển biến sâu sắc hơn nữa nhận thức, tâm lý, tập quán, chấp nhận mô hình gia đình ít con, không phân biệt giới tính, giảm thiểu tình trạng sinh con thứ ba; chất lượng dân số từng bước được nâng lên, nhận thức của toàn xã hội có sự thay đổi; quan niệm của Nhân dân về hôn nhân, sinh đẻ đã có chuyển biến tích cực.
Với quan điểm, chất lượng dân số là yếu tố đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh, chú trọng nâng cao chất lượng dân số vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 01/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về nâng cao chất lượng dân số tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu: Nâng cao chất lượng dân số tỉnh Lào Cai đảm bảo quy mô, cơ cấu, phân bố dân số phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân; giảm tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong do bệnh tật. Quan tâm công tác giáo dục, nâng cao nhận thức người dân, phấn đấu nâng chỉ số phát triển con người (HDI) của Lào Cai bằng mức trung bình toàn quốc vào năm 2030. Đến năm 2025 không còn hôn nhân cận huyết thống; đến năm 2030 cơ bản không còn tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu duy trì thu nhập bình quân của tỉnh trong tốp 15 tỉnh đứng đầu cả nước, nâng mức thu nhập vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tương đương mức thu nhập trung bình của toàn quốc vào năm 2030. Định hướng đến năm 2050, nâng cao chất lượng dân số toàn diện cả về trí lực, thể lực, chất lượng, đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương, xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của vùng và cả nước.
Để hoàn thành mục tiêu này, cần có sự vào cuộc, chung tay của nhiều sở, ngành, địa phương, triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; đổi mới, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị – xã hội; Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao chất lượng dân số. Phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nâng cao thể lực, tầm vóc, sức khỏe thể chất, tinh thần người dân. Hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách, cơ chế; bảo đảm nguồn lực nâng cao chất lượng dân số. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số; tăng cường hợp tác, đối ngoại trong nâng cao chất lượng dân số. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường chuyển đổi số trong công tác dân số.
Trọng tâm là đưa nhiệm vụ nâng cao chất lượng dân số thành một mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội; lồng ghép các mục tiêu nâng cao chất lượng dân số vào nội dung quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc giáo dục về dân số; ngăn ngừa, giảm thiểu tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mang thai tuổi vị thành niên ở đồng bào dân tộc ít người. Ưu tiên các giải pháp tiếp cận người dân ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn và dịch vụ về nâng cao chất lượng dân số, khám sức khỏe trước kết hôn, tầm soát trước sinh và sau sinh; duy trì, triển khai hiệu quả, nhân rộng các mô hình phòng, chống suy dinh dưỡng tại cộng đồng, dinh dưỡng học đường; dinh dưỡng hợp lý, phòng chống tác hại chất gây nghiện, sức khỏe người cao tuổi… Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Triển khai, nhân rộng các mô hình, đề án về nâng cao chất lượng dân số. Triển khai hiệu quả chương trình rèn luyện thể chất, thể dục, thể thao. Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ công tác dân số và phát triển đặc thù tại đại phương: Chính sách dinh dưỡng; chính sách đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế, giáo dục – đào tạo, hỗ trợ việc làm, an sinh xã hội vùng đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số, gia đình chính sách… Hoàn thiện cơ chế giải quyết tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Những kết quả đạt được trong việc nâng cao chất lượng dân số những năm qua sẽ là động lực để Lào Cai tiếp tục thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới với quyết tâm xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển toàn diện của khu vực trung du và miền núi phía Bắc, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân các dân tộc Lào Cai.