Với việc chuyển đổi trồng ngô sang trồng quýt mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Xác định thế mạnh của địa phương, nhằm nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác, huyện Mường Khương đã triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, với trọng tâm là quy hoạch vùng sản xuất tập trung; lựa chọn cây, con giống thích hợp hiệu quả kinh tế cao. Nội dung trọng tâm của Đề án là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện thâm canh tăng vụ gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. Tập trung mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa gắn với thị trường; quan tâm khâu sơ chế, chế biến, bảo quản sau thu hoạch; phát triển sản xuất theo chuỗi để gia tăng giá trị thu nhập; khai thác thế mạnh của các địa phương theo định hướng các sản phẩm chủ lực của tỉnh, của địa phương, các sản phẩm OCOP; phát triển và tạo ra các vùng hàng hóa gắn với chế biến nâng cao giá trị sản phẩm và có quy mô phù hợp…
Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao như vùng trồng dứa tại xã Bản Lầu; chè San tại xã Bản Sen, Bản Lầu, Lùng Vai, Thanh Bình, Tả Thàng; gạo Séng Cù tại xã Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin; Tung Chung Phố… với diện tích canh tác lên đến hàng nghìn ha. Được hỗ trợ cây giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, 60 hộ dân thôn Sa Pả, thị trấn Mường Khương đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 63ha đất trồng ngô sang trồng quýt và 20ha cây dược liệu sa nhân. Với việc tuân thủ các biện pháp kỹ thuật, diện tích cây ăn quả và dược liệu sinh trưởng, phát triển tốt, giá trị trên cùng diện tích canh tác đã cao hơn hẳn so với trồng ngô trước đây, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 90% xuống còn hơn 10%. Hiện nay, Sa Pả là 1 trong 3 thôn chuyên canh trồng quýt và sa nhân của huyện Mường Khương.
Với việc xây dựng các chương trình, đề án trọng tâm và ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Hiện Lào Cai đã hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh sản xuất giống lúa lai và giống lúa chất lượng cao, hằng năm đủ đáp ứng hơn 65% nhu cầu về hạt giống lúa tốt cho nông dân địa phương. Ðồng thời tích cực khảo nghiệm cây, con giống mới, nhất là cá hồi và cá tầm là hai loài thủy sản nước lạnh, có giá trị kinh tế cao đã được ngành nông nghiệp Lào Cai phát triển thành công; hình thành một số vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực như rau, hoa, cây ăn quả ôn đới, và các loại cây công nghiệp như chè, quế, dược liệu…
Riêng cây dược liệu, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho phép Lào Cai phát triển thí điểm vùng dược liệu lớn thứ hai của cả nước, Lào Cai đã nhanh chóng đưa ứng dụng tiến bộ KHCN vào nhân giống, trồng thâm canh những cây dược liệu có giá trị kinh tế cao tại các huyện có tiềm năng, tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, như Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Mường Khương và Văn Bàn, với tổng diện tích ước đạt hơn 2.300 ha và cho sản lượng hơn 8.270 tấn. Trong đó, riêng cây a-ti-sô chiếm hơn 50% sản lượng, lợi nhuận bình quân đạt hơn 200 triệu đồng/ha/năm; tam thất đạt 300 triệu đồng/ha…
Cùng với việc hình thành một số vùng sản xuất tập trung, các hình thức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và bà con nông dân vùng cao, vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng từng bước hình thành và mang lại hiệu quả cao. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh đã xác nhận 72 chuỗi liên kết sản xuất. Ðã có 52 sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ ba sao trở lên, trong đó có 19 sản phẩm được cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ. Các sản phẩm được phân loại xếp hạng sao cấp tỉnh trở lên được hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho in tem nhãn, bao bì sản phẩm và hỗ trợ xúc tiến thương mại…
Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Lào Cai đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ có nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; các sản phẩm cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất chuyên canh, tập trung và theo chuỗi liên kết gắn với thị trường. Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc hữu mang thương hiệu Lào Cai, đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi của tỉnh./.