Hội viên hội phụ nữu thị xã Sa Pa tham gia Hội thi dân vũ thể thao “Vũ điệu kết nối” năm 2023
Phát huy vai trò của phụ nữ
Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Lào Cai luôn coi trọng việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác phụ nữ và bình đẳng giới, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phụ nữ, phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có 9 Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) cấp huyện và 152 Hội phụ nữ cấp xã; có 110.949 hội viên/145.615 phụ nữ, đạt tỷ lệ 76,2%; hội viên hiện đang sinh hoạt tại 1.492 chi hội và 345 tổ phụ nữ.
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh – Vũ Thị Tân: thực hiện công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hội LHPN các cấp đã quan tâm tổ chức tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, công tác phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trọng tâm là Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Lao động, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn xã hội, buôn bán ma túy, trẻ em… gắn với thực hiện các nhiệm vụ công tác Hội phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Cùng với đó, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để Hội Phụ nữ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, phát huy vai trò của hội viên phụ nữ; lồng ghép vấn đề về giới, bình đẳng giới trong việc xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; thực hiện hiệu quả Nghị định số 56/2012/NĐ-CP, ngày 16/7/2012 của Chính phủ về Quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND các cấp trong việc đảm bảo các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tham gia quản lý Nhà nước. Hằng năm, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến công tác bình đẳng giới; ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện nhằm nâng cao nhận thức và hành động về bình đẳng giới trong hệ thống chính trị và Nhân dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Năm 2022, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các diễn đàn, hội thảo, chiến dịch truyền thông, tập huấn, cuộc thi “vẽ tranh, kể chuyện theo tranh” về các nội dung bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, đi xa an toàn, quyền trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em… thu hút trên 4.500 lượt người tham gia. Hội phối hợp với Ban Chính sách – Luật pháp Trung ương Hội thành lập 02 nhóm “Hỗ trợ phụ nữ di cư lao động an toàn” tại xã Cốc Mỳ và xã Y Tý, huyện Bát Xát với 60 thành viên. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh tổ chức thành công Phiên tòa giả định xử lý vụ việc liên quan đến pháp luật về phòng chống tảo hôn, xâm hại trẻ em tại xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên…
Các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực trong tuyên truyền, vận động công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong năm 2022, đã tuyên truyền, vận động, ngăn chặn được trên 150 người chưa đủ tuổi kết hôn chờ đủ tuổi mới kết hôn; thành lập mới 14 mô hình về phòng chống tảo hôn, gia đình không bạo lực, phòng chông mua bán người, xây dựng gia đình hạnh phúc… tại các huyện Bảo Yên, Bát Xát, Mường Khương, thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai.
Đặc biệt, để công tác cán bộ nữ ngày càng phát huy hiệu quả, thời gian qua Hội LHPN các cấp đã chủ động rà soát, phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ nữ và đề xuất cấp ủy quy hoạch, luân chuyển, bố trí vào những vị trí phù hợp; giới thiệu hội viên phụ nữ ưu tú cho cấp uỷ xem xét, kết nạp Đảng. Chia sẻ với chúng tôi, chị Vũ Thị Tân, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Để góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ Hội Phụ nữ các cấp, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Trung ương Hội tổ chức các tập huấn nghiệp vụ thuộc Đề án 1893 cho 110 người là Chủ tịch, Phó chủ tịch, ủy viên ban chấp hành Hội LHPN cấp cơ sở; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Phụ nữ cho 245 cán bộ Hội chuyên trách cấp huyện/thị xã/thành phố; Phối hợp với Trung ương Hội tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm liên quan đến chức trách, nhiệm vụ cùa người đại biểu dân cử cho 145 nữ đại biểu HĐND các câp từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, các cấp Hội phụ nữ giới thiệu bồi dưỡng, kết nạp mới 644 đảng viên nữ, góp phần đưa số đảng viên nữ toàn tỉnh đạt 19.595/53.140 đảng viên, chiếm 36,87%.”
Đối thoại giữa đồng chí Hoàng Trường Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện,
Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ huyện Mường Khương với phụ nữ tiêu biểu khu vực Cao Sơn.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả
Với việc quan tâm, xây dựng, hoàn thiện và giám sát thực hiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ và với nhiều cách thức triển khai thực hiện hiệu quả, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được chuyển biến tích cực và nâng lên rõ rệt. Vai trò của phụ nữ trên địa bàn tỉnh ngày càng được khẳng định; đời sống vật chất, tinh thần của chị em ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy phụ nữ vẫn đối mặt những rào cản, thách thức đến từ đặc điểm giới cũng như vẫn gặp nhiều trở ngại, hạn chế trên con đường phấn đấu. Do đó, rất cần cổ vũ phụ nữ cố gắng vươn lên, nỗ lực hoàn thiện bản thân, dám nói lên quan điểm của mình và nắm giữ các vị trí lãnh đạo, có như vậy mới đảm bảo vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới bền vững.
Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các cấp hội trong tỉnh thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp gắn với việc thực hiện các chương trình, đề án trọng tâm của Trung ương, của tỉnh và các nhiệm vụ chính trị của địa phương năm 2023. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Dự án thành phần số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021- 2025” góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia.gia “Phát triển kỉnh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 -2030”
Thực hiện đổi mới, đa dạng hóa các hình thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân nói chung và hội viên, phụ nữ nói riêng về bình đẳng giới, đặc biệt tập trung vào đối tuợng phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Tiếp tục tham mưu thực hiện về công tác quy hoạch, đào tào, sử dụng đội ngũ cán bộ nữ và phát triển đảng viên nữ, đặc biệt là đảng viên nữ nông thôn; thực hiện có hiệu quả Đề án “Bồi duỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và chi hội truởng giai đoạn 2019-2025”; nhằm tạo nguồn trong công tác cán bộ nữ.
Làm tốt công tác tham mưu, đề xuất có hiệu quả công tác lồng ghép giới trong xây dụng, triển khai các chính sách, pháp luật, chuơng trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. trong đó, tập trung vào chính sách chăm lo, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội; kịp thời phối họp phát hiện, ngăn chặn và giải quyết những vụ việc và các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em.
Để phụ nữ khẳng định được vai trò, vị trí của mình, rất cần sự chung tay cổ vũ của xã hội để phụ nữ cố gắng vươn lên, nỗ lực hoàn thiện bản thân, dám nói lên quan điểm của mình và nắm giữ các vị trí lãnh đạo, có như vậy mới đảm bảo vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới bền vững./.