Thực hiện Đề án “Giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 – 2020”, với phương châm “biến khó khăn thành lợi thế”, tỷ lệ giảm nghèo tại 3 huyện nghèo Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai, giảm bình quân 8,6%/năm (vượt 2,8% so với mục tiêu Đề án Giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai), tại các huyện Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn giảm trên 6,2%/năm (vượt 1,5% mục tiêu Đề án).
Tại Si Ma Cai, với việc đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, huyện còn tập trung vào mũi đột phá trồng cây ăn quả ôn đới để xóa nghèo nhanh và bền vững. Điểm nổi bật ở đây là quy hoạch vùng trồng cây ăn quả rõ nét, theo phương châm liên kết các xã liền kề thành vùng tập trung để giảm việc đầu tư giao thông và thuận tiện áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong tưới nước, bón phân, phòng ngừa sâu bệnh hại. Hiện nay, Si Ma Cai đã xây dựng được vùng cây ăn quả ôn đới tập trung, rộng hàng trăm héc-ta. Để việc đầu tư, hỗ trợ người dân có được hiệu quả cao nhất, chính quyền huyện, xã đã thực hiện hỗ trợ người dân chuyển đổi trồng cây ăn quả theo phương thức “hỗ trợ sau đầu tư”. Theo đó, người dân tự lựa chọn đất của mình, mua giống theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, chăm sóc cây từ 2 – 3 năm, bảo đảm diện tích và số cây trồng sinh trưởng tốt, lúc đó cán bộ chuyên môn mới nghiệm thu và giải ngân thanh toán tiền hỗ trợ theo đề án. Nhờ cách làm này, người dân có ý thức chăm sóc dự án của mình giúp tỷ lệ cây sống cao, tránh đầu tư lãng phí và thất thoát nguồn hỗ trợ của Nhà nước cho người dân.
Lê Tai nung mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Đến nay, huyện Si Ma Cai đã trồng được gần 800 ha cây ôn đới, trong đó cây mận 363,3ha, lê tai nung 354,5 ha, cây sơn tra 31,4ha, cây đào pháp 6 ha. Năm 2019, diện tích mận và lê đã cho thu hoạch là 130 ha, năng suất đạt 402 tấn, thu về cho nông dân gần 40 tỷ đồng, góp phần tích cực xóa nghèo hiệu quả ở địa phương.
Để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 4%-5%, thị xã Sa Pa đã chủ trương đẩy mạnh phát triển nông – lâm nghiệp bền vững theo hướng hàng hóa, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương và su su là loại rau được lựa chọn thực hiện đề án, với đặc điểm thích nghi rộng, có thể trồng được ở nhiều nơi, cả miền núi cao giá rét cũng như trung du, đồng bằng nóng nực.
Tại khu vực đèo Ô Quý Hồ, với độ cao 1.300 – 1.500m so với mực nước biển, quanh năm sương mù giá rét, thường có tuyết rơi, hiện có khoảng 100 ha su su, trở thành vùng sản xuất quả và ngọn rau su su lý tưởng nhất của Lào Cai. Su su ở đây chỉ trồng một lần có thể để nguyên gốc cho thu hoạch tới hàng chục năm không tàn. Do đó, thị xã Sa Pa có chính sách hỗ trợ vốn vay cho nông dân để mua vật tư làm giàn bằng cọc bê-tông và dây thép bền chắc, dùng được nhiều năm, giảm chi phí làm giàn bằng gỗ và tre trúc, bảo vệ rừng tự nhiên.
Hiện đang là chính vụ thu hoạch su su tại Sa Pa. Giá thành su su quả thu hái tại vườn là 8.000 -12.000 đồng/kg, giá ngọn su su dao động trong khoảng từ 15.000 – 20.000 đồng/kg. Nếu so sánh thì su su Sa Pa luôn được bán với giá cao hơn so với các vùng trồng khác. Nguyên do là sau nhiều thời điểm giá quả su su bấp bênh, ngành chức năng địa phương đã vào cuộc tìm giải pháp giúp người trồng nâng giá trị; trong đó chú trọng liên kết “4 nhà” xây dựng và quảng bá thương hiệu su su Sa Pa. Do đó, vùng trồng su su Sa Pa không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động người địa phương. Khu vực Ô Quý Hồ có khoảng 130 hộ dân trồng su su, hầu hết đã thoát nghèo, thậm chí hàng chục hộ trở thành triệu phú nhờ trồng su su.
Nhờ những chính sách đồng bộ trong công tác giảm nghèo, các cấp ngành và người dân Lào Cai đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu giảm nghèo nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển dần được thu hẹp, mặt bằng dân trí được nâng cao, nguồn nhân lực cán bộ dân tộc thiểu số được chú trọng đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, công tác lãnh chỉ đạo triển khai các chương trình được thực hiện kịp thời, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã ban hành nghị quyết, đề án, kế hoạch triển khai chương trình trên địa bàn. Kết quả, từ một tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao đứng thứ 8 trong các tỉnh khu vực Tây Bắc, đến nay Lào Cai vươn lên đứng thứ 11.
Trong giai đoạn tới, giai đoạn 2020-2025, để tiếp tục thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3-4%/năm trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; phấn đấu 50% số xã đạt tiêu chí về hộ nghèo. Lào Cai cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền và vai trò các tổ chức đoàn thể các cấp đến cơ sở đối với công tác giảm nghèo; phát huy mọi nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án, tập trung giảm nghèo bền vững. Tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu, tăng cường tính kết nối, phục vụ sản xuất và dân sinh ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, các xã biên giới…