Theo số liệu báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, 8 tháng năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 59 vụ tai nạn giao thông, làm chết 31 người, bị thương 47 người; so với cùng kỳ năm 2019 tăng 14 vụ (tăng 31%), tăng 10 người chết (tăng 48%), giảm 6 người bị thương (giảm 11%). Các địa phương có tai nạn giao thông tăng cao cả 3 tiêu chí là thị xã Sa Pa, huyện Si Ma Cai và thành phố Lào Cai. Các vụ tai nạn giao thông được xác định do một số nguyên nhân như: Sự chủ quan, thiếu ý thức của một bộ phận người dân tham gia giao thông; hạ tầng đường giao thông còn nhiều bất cập, chưa hợp lý; việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa thiết thực; chính quyền cấp cơ sở còn thiếu kiên quyết trong việc giải quyết các điểm họp chợ, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông… Chính những điều này dẫn đến sự hình thành của các “điểm đen” tai nạn giao thông.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều “điểm đen” tai nạn giao thông, thường xuyên xảy ra các vụ va chạm và tai nạn giao thông. Phần lớn các “điểm đen” hình thành tại vị trí điểm đấu nối giữa các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; đặc biệt có những điểm xuất hiện tại các ngã ba, ngã tư… nơi có mật độ người tham gia giao thông cao, va chạm giao thông thường xuyên diễn ra nhưng lại không có đèn tín hiệu chỉ huy giao thông, hoặc không có biển báo, cảnh báo nguy hiểm; nhiều “điểm đen” hình thành tại những nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt không có gác chắn…
Một trong những “điểm đen” về giao thông có thể kể đến là tại vị trí giao nhau giữa đường An Dương Vương, đường Hồng Hà, đường Hoàng Liên và đường Thủy Hoa, các tuyến đường này đều kết nối trực tiếp với cầu Cốc Lếu. Tại vị trí giao cắt này, theo nhiều người dân, đã từng xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân chủ yếu là do mật độ phương tiện lưu thông qua đây lớn, đặc biệt là vào giờ tan tầm, chỉ cần một sơ sót nhỏ, nếu người đi đường không chú ý quan sát là có thể dẫn đến những va chạm, tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra.
Để khắc phục tình trạng trên, Sở Giao thông vận tải – Xây dựng cùng với các ngành chức năng đã cải tạo lại tuyến đường, giải tỏa hành lang, đảm bảo tầm nhìn, bổ sung hệ thống đèn chiếu sáng, đèn, biển báo an toàn giao thông. Đến nay, công trình đèn tín hiệu đã được được hoàn thành và dự kiến sớm đi vào hoạt động trong thời gian tới. Đây cũng là giải pháp đang được đa số người dân đồng tình ủng hộ, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn vị trí “điểm đen” này, góp phần kiềm chế, đẩy lùi tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố Lào Cai.
Ông Nguyễn Văn Hà, người dân thành phố Lào Cai chia sẻ: “Ở đây có 5 tuyến đường nên mật độ cũng đông, cũng xảy ra nhiều tai nạn, mai kia có đèn thì sẽ đỡ hơn. Trước kia chỉ cần có tai nạn nhỏ là sắp sửa tắc”. Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Đặng Văn Sơn, phường Kim Tân cho biết: “Nói chung là trước chưa có đèn, bây giờ đang lắp rồi, ở đây mật độ giao thông cao, có nhiều tuyến đường giao nhau, nhiều vụ tai nạn chết người xảy ra ở đây. Lắp đèn ở đây là rất hợp lý”.
Để kịp thời xử lý tình trạng mất an toàn giao thông tại các “điểm đen”, Sở Giao thông Vận tải – Xây dựng đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan nhằm thống kê chính xác thực trạng tại các vị trí “điểm đen” để kịp thời báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và UBND tỉnh cho chủ trương sửa chữa, khắc phục đối với các tuyến đường theo phân cấp quản lý, nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại an toàn của người dân. Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông tới mọi người dân, Sở Giao thông vận tải – Xây dựng, Ban An toàn giao thông tỉnh cũng sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, khảo sát và thực hiện việc lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông, biển cảnh báo nguy hiểm, sơn gờ giảm tốc tại tất cả các “điểm đen” và các điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Tiến hành kiểm tra và lắp gương cầu tại các khu vực đường cong, khuất tầm nhìn; kiểm tra rà soát tất cả các điểm giao cắt giữa đường dân sinh và đường sắt để có giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông…
Xóa bỏ các “điểm đen” mất an toàn giao thông là một trong những việc làm cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc xóa bỏ mỗi “điểm đen” không chỉ cần các địa phương, ngành chức năng quan tâm thực hiện mà còn cần có ý thức cao tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông của mỗi người dân./.