Chương trình hỗ trợ thiết bị nghe, xem cho hộ nghèo giúp người dân tiếp cận kịp thời các thông tin.
Lào Cai là tỉnh miền núi biên giới với 25 nhóm ngành dân tộc phân bố, cư trú trên địa bàn 09 huyện, thị xã, thành phố. Trong những năm qua, công tác thông tin cơ sở được Lào Cai quan tâm đầu tư, phát triển, hiện Lào Cai có 03 cơ quan báo chí (Báo Lào Cai, Đài Phát thanh – Truyền hình Lào Cai, Tạp chí Phansipăng), 29 bản tin các sở, ban, ngành, 09 Đài Truyền thanh – Truyền hình cấp huyện (nay là Trung tâm Văn hóa, Thể thao – Truyền thông), 100% xã, phường, thị trấn có Đài truyền thanh với 152 Đài truyền thanh xã, gồm 2.904 cụm loa/1.677 thôn, tổ dân phố, 1.231 bảng tin công cộng, 20 xã, phường có trang thông tin điện tử, 99 tủ sách, 65 phòng đọc sách cơ sở tại nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, 126 điểm bưu điện văn hóa xã có phục vụ đọc sách, tạp chí, cùng với đó là 7.122 báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, đáp ứng công tác tuyên truyền tại cơ sở. Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền cơ sở còn được triển khai qua các loại hình phương tiện truyền thông khác, như Báo điện tử, Cổng thông tin điện tử, Fanpage của các sở, ngành, ứng dụng Zalo… đáp ứng nhu cầu tiếp cận và hưởng thụ thông tin ngày càng cao của Nhân dân. Trong năm 2019 và 2020, Lào Cai đã triển khai hỗ trợ 1.260 tivi và 1.225 radio cho các hộ nghèo thuộc các dân tộc ít người; hộ nghèo tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, với kinh phí 6.896,2 triệu đồng. Đồng thời, thực hiện việc hỗ trợ thiết bị nghe, xem cho 30 hộ gia đình nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai với kinh phí 180 triệu đồng của “Quỹ vì người nghèo Trung ương”. Việc hỗ trợ, trao tặng thiết bị nghe, xem cho hộ gia đình nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hoạt động thiết thực và ý nghĩa giúp cho các gia đình có điều kiện tiếp cận kịp thời các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cũng như các thông tin văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Hệ thống cụm loa phát thanh đã trở thành phương tiện tuyên truyền không thể thiếu tại cơ sở.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông trong hoạt động thông tin ở cơ sở cũng được tỉnh quan tâm triển khai đồng bộ đến cơ sở. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 152 Đài truyền thanh cấp xã, trong đó có 144 Đài sử dụng công nghệ vô tuyến qua sóng FM (đài truyền thanh không dây), 08 Đài ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông (CNTT-VT), 91 cụm loa ứng dụng CNTT-VT. Truyền thanh ứng dụng CNTT- VT là dạng phát thanh của hiện tại và tương lai, là xu thế tất yếu của cách mạng công nghiệp 4.0. Việc áp dụng Đài Truyền thanh xã theo CNTT-VT trên địa bàn tỉnh đã góp phần hiện đại hóa công tác tuyên truyền, thể hiện vai trò cầu nối cung cấp các thông tin chính xác, thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân, đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn luôn được tỉnh quan tâm, các sở, ban, ngành trong tỉnh đã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác tuyên vận cũng như cán bộ thông tin và truyền thông ở cơ sở. Từ năm 2017 đến nay, Lào Cai đã tổ chức gần 150 lớp tập huấn, bồi dưỡng về công tác tuyên giáo, dân vận, tăng cường kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở. Công tác đào tạo, tập huấn được tổ chức thường xuyên, cho các đối tượng thực hiện công tác thông tin tuyên truyền tại cơ sở, đáp ứng yêu cầu nâng cao nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền cho các cán bộ địa phương. Các học viên nhận thức đầy đủ và rõ ràng hơn về nhiệm vụ của thông tin và truyền thông cơ sở; nâng cao năng lực chuyên môn. Cùng với đó, Lào Cai đã ban hành nhiều văn bản quản lý và hướng dẫn tuyên truyền cho hệ thống thông tin cơ sở tại địa phương đảm bảo chất lượng, kịp thời cung cấp thông tin đến đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Việc kết hợp chặt chẽ các phương tiện truyền thông với cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết chế văn hóa – thông tin ở cơ sở hiện có đã góp phần giúp Lào Cai thực hiện tốt công tác thông tin ở cơ sở trong thời gian qua. Tuy nhiên trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển hiện đại, thông tin cơ sở cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và thực tiễn nhu cầu thông tin của người dân. Với mục đích đổi mới công nghệ và phương thức cung cấp, quản lý, vận hành hệ thống thông tin cơ sở, hình thành cơ sở dữ liệu về thông tin cơ sở từ cấp tỉnh đến cơ sở, bảo đảm chủ động, kịp thời cung cấp thông tin thiết yếu đến người dân, giai đoạn 2022-2025, Lào Cai sẽ xây dựng hệ thống thông tin nguồn để quản lý tập trung và cung cấp thông tin thiết yếu cho hệ thống thông tin cơ sở. Phấn đấu đến năm 2025, 100% thông tin thiết yếu phổ biến đến người dân được cung cấp trên hệ thống thông tin nguồn của phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở; 80% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có đài truyền thanh FM được đầu tư chuyển đổi sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông; 100% Trung tâm Văn hóa, Thể thao – Truyền thông cấp huyện được hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật, số hóa sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện; 100% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có bảng tin điện tử công cộng cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD) được kết nối với Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh.
Chăm lo phát triển thông tin cơ sở là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Công tác thông tin ở cơ sở được triển khai tốt, sẽ bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, kiến thức cần thiết cho cuộc sống lao động, sản xuất kinh doanh của người dân, đồng thời chủ động đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc, xuyên tạc, góp phần củng cố sự đoàn kết, đồng thuận từ cơ sở, góp phần phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh Lào Cai.