Nhờ tập trung phát huy lợi thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung hàng hóa… giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của Lào Cai từng bước được nâng cao. Các địa phương đã khai thác hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất lúa; tập trung xây dựng vùng thâm canh trọng điểm lúa tại các huyện: Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, thị xã Sa Pa; từng bước giảm diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn.
Chú trọng phát triển các vùng sản xuất cây trồng chủ lực (Vùng sản xuất dứa Bản Lầu – Mường Khương).
Chú trọng phát triển các vùng sản xuất cây trồng chủ lực như: Cây dược liệu, chè, chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới; nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng gắn với thị trường, tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đầu tư công nghệ chế biến sâu, đa dạng mẫu mã sản phẩm, có liên kết tiêu thụ sản phẩm, tăng tỷ lệ xuất khẩu… Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2022 đạt 340,3 tấn, bằng 109,8% mục tiêu đề án, giá trị canh tác đạt 88 triệu đồng/01 ha, bằng 88% mục tiêu đề án, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong tỉnh và một phần cung cấp thị trường ngoài tỉnh.
Tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư 02 ngành hàng chính có nhiều tiềm năng phát triển là chăn nuôi lợn và bò. Đẩy mạnh tái đàn lợn, phát triển chăn nuôi trang trại tập trung theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp. Phát triển chăn nuôi thâm canh bò thịt, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa ở những vùng có điều kiện thuận lợi Văn Bàn, Bảo Yên, Bát Xát… Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi mạnh từ phương thức nuôi quảng canh cải tiến sang nuôi bán thâm canh, thâm canh thủy sản; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên các lưu vực sông hồ chứa; khai thác tối đa công suất của các cơ sở sản xuất giống, đáp ứng được trên 70% nhu cầu giống của tỉnh. Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý bảo vệ rừng bền vững; thực hiện rà soát, quy chủ rừng và đất lâm nghiệp, quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng rừng; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở chế biến lâm sản để nâng cao giá trị, phát triển bền vững.
Hình thành và phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa, dược liệu, cây ăn quả, chè, trồng dâu, nuôi tằm, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nước lạnh, giống cây lâm nghiệp. Tập trung quy hoạch, phát triển tạo thành vùng sản xuất hàng hóa 06 ngành hàng chủ lực (chè, dược liệu, chuối, dứa, chăn nuôi lợn, quế), phát triển kinh tế đồi rừng và ngành hàng tiềm năng địa phương. Phát triển thêm 20 chuỗi nông sản an toàn được xác nhận.100% chuỗi sản phẩm được quản lý bằng phần mềm Hệ thống thông tin quản lý chuỗi nông sản an toàn. Tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến nông sản gắn với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Xã nông thôn mới nâng cao Xuân Quang – Bảo Thắng.
Đối với sắp xếp dân cư nông thôn, tỉnh tổ chức rà soát và sáp nhập thôn, bản; bố trí sắp xếp lại các hộ dân cư đang có nhà ở trên đất nông, lâm nghiệp, hạn chế việc xây dựng nhà ở trên đất nông, lâm nghiệp không theo quy hoạch; sắp xếp các hộ dân cư theo các hình thức tập trung, xen ghép và ổn định tại chỗ. Toàn tỉnh có 62/127 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 04 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao; 02 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 50% mục tiêu đề án.
Hết năm 2022, trong tổng số 13 mục tiêu Đề án, có 05 chỉ tiêu đạt 100% và vượt mục tiêu đề án, 05 chỉ tiêu đạt trên 70% so với mục tiêu đề án, 02 chỉ tiêu đạt trên 50% so với mục tiêu đề án, 01 chỉ tiêu đạt dưới 50% so với mục tiêu đề án (chỉ tiêu về sắp xếp ổn định dân cư thiên tai). Tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án cả giai đoạn: 12.701 tỷ đồng, trong đó đã huy động và triển khai thực hiện được: 3.357 tỷ đồng, đạt 26,4% tổng nhu cầu vốn.
Để tiếp tục hoàn thành các mục tiêu của Đề án, năm 2023 tỉnh Lào Cai tập trung vào khai thác tiềm năng, lợi thế, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong đó, tập trung phát triển 06 ngành hàng chủ lực (Sản xuất chè, dược liệu, cây chuối, cây dứa, chăn nuôi lợn, cây quế), phát triển kinh tế rừng và ngành hàng tiềm năng địa phương có giá trị cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.
Gắn vùng nguyên liệu với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp xây dựng các nhà máy, cơ sở chế biến sâu nông, lâm sản để nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Trước mắt, cần tập trung thực hiện hiệu quả 5 nội dung đột phá, bao gồm: Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; Chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị, để phát triển sản xuất hàng hóa; Đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức, dịch vụ sản xuất gắn với chế biến, liên kết sản xuất; Thực hiện giao đất, giao rừng, quy chủ rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp; Đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trong tình hình mới./.