Theo đó, mục tiêu đặt ra năm 2023, không còn hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS; Giảm 30% số người dân tộc thiểu số tảo hôn so với năm 2022; Giảm 30% phụ nữ DTTS dưới 18 tuổi sinh con lần đầu so với năm 2022; Tiếp tục duy trì thực hiện 17 Mô hình điểm Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gắn với thực hiện “Dân vận khéo về cải tạo tập quán lạc hậu”; Bồi dưỡng kỹ năng về vận động, tư vấn, truyền thông cho cán bộ, công chức tham gia công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, gắn với thực hiện bình đẳng giới, chống bạo lực gia đình, chống sinh sản vị thành niên.
Lào Cai phấn đấu giảm 30% số người dân tộc thiểu số tảo hôn so với năm 2022.
Để đạt được các mục tiêu trên, nhiệm vụ cụ thể được đề ra trong năm 2023 gồm: Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân. Trong đó, thực hiện biên soạn sổ tay hướng dẫn Hỏi – Đáp về hôn nhân, về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gắn với bình đẳng giới; bạo lực gia đình, về sức khoẻ sinh sản vị thành niên; cải tạo phong tục tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tổ chức Chiến dịch truyền thông chống tảo hôn, lấy ngày gia đình Việt Nam 28/6/2023 là ngày phát động chiến dịch truyền thông về phòng, chống tảo hôn. Tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về tác hại, hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gắn với chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, với nội dung tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; các quy định về xử phạt hành chính, hình sự liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; các hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình,… Xây dựng các phóng sự tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tổ chức Hội nghị bàn giải pháp về cải tạo tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang và trong sinh hoạt đời sống của đồng bào dân tộc Giáy, dân tộc Mông, dân tộc Nùng. Duy trì hoạt động Mô hình Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tổ chức đoàn công tác đi thăm quan học tập kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật cho đội ngũ CBCC làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Công tác chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết thực hiện phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, với các hoạt động chủ yếu là: Đưa mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình; phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm của các địa phương; Hỗ trợ tư pháp xã thực hiện quản lý, cung cấp thông tin, tư vấn cho các đối tượng chuẩn bị kết hôn, làm giấy đăng ký kết hôn và giấy khai sinh cho trẻ em tại địa bàn; Phối hợp chặt chẽ và tăng cường các hoạt động giao lưu giữa các địa phương và thực hiện ngăn ngừa, phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số…
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để có biện pháp kịp thời ngăn ngừa và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình./.