Để đạt mục tiêu này, các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn và từng năm để lãnh đạo, chỉ đạo, ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai ký cam kết việc thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; chính quyền cấp xã ký cam kết với những người có uy tín trong cộng đồng như: Ông mai, bà mối, thầy mo, thầy cúng; Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật các cấp tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về dân số, hôn nhân, gia đình. Các địa phương đều đưa nội dung phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào hương ước, quy ước của thôn bản để tổ chức thực hiện. Các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đưa nội dung giáo dục giới tính, hậu quả của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chuyên đề, chào cờ và trong buổi sinh hoạt chi đoàn nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho học sinh, từ đó lan tỏa trong các gia đình và trong cộng đồng dân cư.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào các DTTS về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tăng cường nắm tình hình cơ sở, tổ chức nhiều hoạt động hướng về cơ sở; tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân chấp hành pháp luật thông qua các buổi sinh hoạt, hội nghị tuyên vận, qua tiếp xúc, đối thoại, các buổi họp thôn… Triển khai xây dựng các “Mô hình điểm” về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 05 xã của các huyện, thị xã, thành phố (xã Tả Phời, thành phố Lào Cai; xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn; xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa; xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà; xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai). Ngoài ra, phối hợp xây dựng và phát huy có hiệu quả các mô hình điểm khác như: “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”; câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”; câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; đội tuyên truyền “Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”; mô hình “Ông mai, bà mối” tại một số xã của huyện Bát Xát, huyện Bảo Thắng, huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương… Thông qua hoạt động tại các “Mô hình điểm” đã giúp cho các hội viên được chia sẻ, giao lưu, tham gia học hỏi những kinh nghiệm hay để tuyên truyền, vận động Nhân dân về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, qua đó nâng cao nhận thức trách nhiệm trong việc thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Xác định nâng cao đời sống, văn hoá, dân trí, tinh thần cho Nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những giải pháp căn bản để đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã quan tâm dành từ 60 – 65% nguồn lực đầu tư xã hội để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Giai đoạn 2018-2022, tỉnh Lào Cai đã dành 3,939 tỷ đồng cho việc thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai biên soạn, phát hành tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền bằng 3 thứ tiếng: Tiếng Việt, tiếng Mông, tiếng Dao; xây dựng, triển khai nhân rộng các mô hình “Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; tổ chức ký cam kết giữa Nhân dân với chính quyền không để xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; nhắn tin qua mạng di động nhắc nhở cha mẹ, học sinh thực hiện phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về Hôn nhân và Gia đình. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đề ra mục tiêu, giải pháp, lộ trình cụ thể trong tuyên truyền, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng dân tộc thiểu số.
Ông Nông Đức Ngọc – Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, Lào Cai đã cơ bản chấm dứt được tình trạng hôn nhân cận huyết. Từ năm 2020 đến hết tháng 12/2022, tỉnh không còn phát sinh trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Đây là kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 30/10/2017 của Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để đạt được kết quả trên, chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội đã thực hiện tốt công tác nắm địa bàn, phối hợp chặt chẽ với thôn, bản, nhất là những người có uy tín để tuyên truyền, vận động, ngăn chặn kịp thời ngay từ khi các bạn trẻ chưa đủ tuổi kết hôn có ý định về chung sống với nhau như vợ chồng. Đặc biệt, nhiều địa phương đã xây dựng quy ước, hương ước về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm./.