Một góc thành phố Lào Cai ngày nay (ảnh: LCĐT)
Đảm bảo công khai, dân chủ
Ngay sau khi có Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã, Tỉnh ủy Lào Cai đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021.
Theo Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai, từ khi bắt tay vào thực hiện, tỉnh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, các kế hoạch được thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, nhất là được sự đồng thuận cao của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai của Lào Cai luôn chủ động, sáng tạo và quyết liệt bằng nhiều nội dung cụ thể như: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành kết luận về chủ trương sắp xếp ĐVHC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2021; UBND tỉnh Lào Cai ban hành kế hoạch sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2021; Thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo; công tác thông tin, tuyên truyền; quy trình xây dựng phương án tổng thể, xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC trên địa bàn tỉnh phải được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Danh sách các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp đều được nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ và xin ý kiến Tỉnh ủy, Bộ Nội vụ trước khi triển khai thực hiện.
Với sự nỗ lực triển khai thực hiện, Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã của tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2019-2021 đã đảm bảo đúng nội dung và thời gian quy định của Chính phủ và Bộ Nội vụ và là tỉnh thứ 6 trong toàn quốc được Hội đồng liên ngành Trung ương thẩm định thông qua vào tháng 9/2019.
Bên cạnh đó, các đề án của tỉnh được triển khai từ những năm trước về điều chỉnh địa giới hành chính thuộc các huyện Sa Pa, Si Ma Cai, Bảo Thắng cũng được tích hợp để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, đảm bảo phù hợp với tinh thần Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị Quyết 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021.
Để đảm bảo công khai, dân chủ, Đề án sắp xếp ĐVHC của tỉnh được lấy ý kiến cử tri và trình kỳ họp HĐND các cấp theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, dân chủ tại cơ sở. Tất cả các phương án sắp xếp, nhập, chia, điều chỉnh ĐVHC cấp xã, cấp huyện đều được cử tri nhất trí với tỷ lệ rất cao (đều đạt trên 90%), đủ điều kiện trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Kết quả lấy ý kiến cử tri được gửi đến Bộ Nội vụ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ theo quy định.
Theo lãnh đạo UBND phường Lào Cai, trước thời điểm sáp nhập, khi lấy ý kiến cử tri tại phường Lào Cai và phường Phố Mới về lấy tên đơn vị mới thành lập là phường Lào Cai (thành phố Lào Cai), phường Lào Cai có 5.977/6.231 cử tri đồng ý, đạt tỷ lệ 95,92%; phường Phố Mới có 1.341/1.386 cử tri đồng ý, đạt tỷ lệ 96,75%. Bởi sau sáp nhập, phường Lào Cai đủ các điều kiện là đơn vị hành chính phường loại 1; đồng thời việc sáp nhập sẽ mở ra cơ hội mới cho kinh tế – xã hội của phường, nhất là việc thu hút đầu tư, phát triển thương mại, du lịch, kinh tế cửa khẩu.
Kết quả sau sắp xếp
Trước khi thực hiện sắp xếp, Lào Cai có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (8 huyện và 01 thành phố) với 164 đơn vị cấp xã (143 xã, 12 phường và 9 thị trấn). Sau khi Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh được phê duyệt tại Nghị quyết số 767/NQ-UBTVQH14 ngày 11/9/2019 về thành lập thị xã Sa Pa và Nghị quyết số 896/NQ-UBTVQH14 ngày 11/02/2020 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc tỉnh Lào Cai (gọi tắt là Nghị quyết), tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các Nghị quyết này.
Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, số lượng đơn vị cấp huyện vẫn giữ nguyên 9 đơn vị, gồm 07 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố. Điểm thay đổi là giảm 01 huyện và tăng 01 thị xã do thành lập thị xã Sa Pa trên cơ sở toàn bộ huyện Sa Pa. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã có 152 đơn vị, giảm 12 đơn vị hành chính cấp xã (giảm tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trụ sở, trang thiết bị, tài sản công của 12 đơn vị hành chính cấp xã). Trên địa bàn tỉnh không còn đơn vị hành chính cấp xã có cả 2 tiêu chuẩn diện tích và dân số dưới 50% quy định.
Từ ngày 01/03/2020, tất cả các đơn vị hành chính mới hình thành sau khi sắp xếp đã đi vào hoạt động đúng quy định. Riêng thị xã Sa Pa hoạt động từ ngày 01/01/2020 theo Nghị quyết số 767/NQ-UBTVQH14 ngày 11/9/2019 về thành lập thị xã Sa Pa.
Thực tế cho thấy các huyện, thành phố trong tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết với đầy đủ các nội dung về: tổ chức lễ công bố; tổ chức bàn giao các tổ chức, bộ máy, hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã; bàn giao cơ sở vật chất, hồ sơ địa giới hành chính; thực hiện sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức…cho phù hợp với đơn vị hành chính mới.
Bên cạnh đó, tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã sau khi sắp xếp đơn vị hành chính (152 đơn vị hành chính cấp xã) được giao năm 2020 theo quy định là 3.184 người, giảm 608 người so với năm 2019; trong đó giảm 270 người do sắp xếp các đơn vị hành chính.
Với 270 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp, tỉnh Lào Cai đã tiến hành điều động đến đơn vị hành chính cấp xã còn thiếu, tuyển dụng làm công chức cấp huyện, tuyển dụng làm viên chức đơn vị sự nghiệp, thực hiện nghỉ hưu và tinh giản… Đồng thời việc sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã dôi dư ở địa phương được thực hiện gắn liền với kiện toàn tổ chức bộ máy cấp ủy, chính quyền các đoàn thể khi thực hiện đại hội Đảng bộ, đoàn thể và bầu cử HĐND các cấp. Theo kế hoạch, đến hết năm 2024, tỉnh Lào Cai sẽ hoàn thành sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức dôi dư bảo đảm đúng quy định tại Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đặc biệt, thông qua việc sắp xếp đơn vị hành chính, giai đoạn 2019-2021, giảm chi từ ngân sách nhà nước với số tiền trên 14.500 triệu đồng, qua đó tiết kiệm ngân sách nhà nước hàng năm chi cho hoạt động của tổ chức bộ máy và cắt giảm các khoản đầu tư công, thực hiện cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công; đồng thời có thêm nguồn lực để đầu tư nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công tại các đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp, sáp nhập.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã ở Lào Cai đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội, quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch dân cư nông thôn hợp lý, đồng bộ; tạo thuận lợi cho việc hoạch định chính sách, phát triển kinh tế tập trung, chuyên đề, gắn với quy hoạch liên vùng, liên khu vực; đồng thời tăng cơ hội thu hút đầu tư các chương trình dự án; từ đó tạo thêm việc làm và tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân và nguồn thu ngân sách tại địa phương.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớn nhân dân hưởng ứng, góp phần hoàn thành sớm tiến độ sáp nhập. Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, trong đó trọng tâm là tổng kết công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021; tổ chức rà soát, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp làm tiền đề và cơ sở để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022 – 2030./.