Công tác hợp tác quốc tế, xúc tiến đầu tư được chú trọng; thông qua tăng cường trao đổi thông tin, tiếp cận các tổ chức quốc tế có uy tín như: Văn phòng Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KCCI), Văn phòng Xúc tiến thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JBAV); các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB, AFD, JICA, KOICA… trong giai đoạn 2016 – 2020 đã thu hút được nhiều dự án vốn ODA mới với tổng vốn ODA thu hút được trên 3.000 tỷ đồng…; nâng tổng số các dự án đang triển khai trong giai đoạn là 23 dự án và 02 chương trình. Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016- 2020 với tổng mức là 3.740.149 triệu đồng, trong đó vốn ODA cấp phát từ Trung ương 2.558.873 triệu đồng, vốn ODA vay lại 639.901 triệu đồng, vốn đối ứng 541.375 triệu đồng (trong đó vốn thu hồi ứng trước 146.907 triệu đồng). Kết quả giải ngân, tính đến thời điểm hiện nay, tổng vốn giải ngân đạt 2.339.948 triệu đồng (đạt 62,6%), trong đó vốn ODA cấp phát từ Trung ương đạt 1.710.255 triệu đồng, vốn ODA vay lại 178.556 triệu đồng, vốn đối ứng đạt 449.362 triệu đồng (trong đó vốn thu hồi ứng trước đạt146.907 triệu đồng).
Nhà máy xử lý nước thải thành phố Lào Cai được xây dựng từ nguồn vốn QDA.
Để đẩy nhanh thúc đẩy giải ngân, tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các chủ đầu tư dự án sử dụng vốn ODA khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán cho các nội dung công việc đã có khối lượng thực hiện để thanh toán ngay cho nhà thầu; đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác đấu thầu; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2020 được giao.
Mặc dù được Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương quan tâm, ủng hộ về tiếp nhận vốn ODA và vốn vay ưu đãi, nhưng tổng nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển của tỉnh; công tác giải ngân chưa đảm bảo tiên độ theo hiệp định đã ký kết. Thực hiện thủ tục dự án phải quan nhiều khâu, nhiều bước để hài hòa thủ tục của Việt Nam và các nhà tài trợ do đó dẫn đến kéo dài, ảnh hưởng tiến độ dự án.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt các chương trình dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, tỉnh Lào Cai tiếp tục xác định phát huy cao nhất nội lực, tạo mọi điều kiện thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội cho phát triến kinh tế – xã hội của tỉnh, đồng thời tiếp tục kiến nghị, đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành trung ương quan tâm xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chấp thuận để tỉnh triển khai các dự án như: Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn; Dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê kông (GMS) lần thứ 2 – Tiểu dự án đô thị Sa Pa, tỉnh Lào Cai; Dự án cơ sở hạ tầng nông thôn huyện Bắc Hà; Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2018-2020; Dự án “Chương trình Phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 – Tiểu dự án tỉnh Lào Cai; Dự án Phát triển nông thôn thích ứng với thiên tai; Dự án Phát triển đô thị và kinh tế du lịch bền vững tỉnh Lào Cai; Dự án Đầu tư trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Sản Nhi và một số Bệnh viện tuyến huyện trong hệ thống chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tỉnh Lào Cai./.