Tính đến hết năm 2021, diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt 378.036,2 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 56,91%. Lào Cai đã triển khai hiệu quả công tác rà soát, quy hoạch 3 loại rừng thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thực hiện theo dõi, cập nhật kịp thời diễn biến rừng, các biến động về tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp; thiết lập quản lý và bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm, vùng giáp ranh có nguy cơ xâm hại rừng cao. Đến nay, tỉnh đã phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững của 12 chủ rừng gồm Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Bát Xát, 09 Ban quản lý rừng phòng hộ các huyện, thị xã, thành phố với diện tích trên 200.000 ha; xây dựng được vùng rừng trồng nguyên liệu hơn 40.000 ha và có diện tích quế đạt thương hiệu quế hữu cơ trên 3.600 ha.
Hàng năm, tổ chức khoán quản lý, bảo vệ diện tích trên 369.311 ha rừng hiện có. Trồng mới được 14.224,3 ha rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 13.367,69 ha. Khai thác và chế biến lâm sản trung bình hàng năm đạt 180.000 m3 với 365 cơ sở chế biến lâm sản. Giá trị sản xuất lâm nghiệp đến hết năm 2021 ước đạt 2.654 tỷ đồng, chiếm 16% giá trị nội ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Phấn đấu đến năm 2025, độ che phủ rừng tỉnh Lào Cai đạt 60%. (Ảnh TL).
Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các công trình, dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa diện tích phải chuyển mục đích sử dụng rừng. Kiên quyết không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang thực hiện dự án khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, các lực lượng chức năng luôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” gắn với phương châm đồng bộ, ráo riết, quyết liệt, cụ thể, hiệu quả. Trong đó chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn các chủ rừng thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; hướng dẫn người dân canh tác nương rẫy an toàn, nhất là tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Các lực lượng tổ chức thường trực 24/24h trong những ngày thời tiết khô, hanh kéo dài, thực hiện chủ động công tác ứng cứu, chữa cháy rừng để hạn chế thấp nhất nếu có cháy rừng xảy ra. Đồng thời kiện toàn hoạt động của 178 Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các cấp với 4.460 thành viên và củng cố, duy trì hoạt động của các đội/tổ xung kích bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã, thôn.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng từng bước góp phần ổn định, đảm bảo diện tích, duy trì tỷ lệ che phủ, nâng cao chất lượng rừng và góp phần cải thiện môi trường sinh thái. Thực hiện xây dựng quy chế phối hợp, làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Qua đó công tác thu tiền dịch vụ môi trường rừng đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng đảm bảo thu đúng, thu đủ và theo các quy định hiện hành. Hàng năm, tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả cho khoảng 229.000 ha với trên 18.700 chủ rừng; Vườn quốc gia Hoàng Liên là đơn vị duy nhất đang thực hiện cho Công ty TNHH Dịch vụ cáp treo Fansipan thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, tự tổ chức thu vé 03 điểm du lịch.
Phấn đấu đến năm 2025, duy trì diện tích rừng tự nhiên hiện có và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; Nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 60%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 12%/năm; giá trị khai thác gỗ tròn đạt 1.079.800 triệu đồng./.