Nụ cười em bé vùng cao (Ảnh minh hoạ: Tác giả: Hà Thắng)
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 138 xã, phường, thị trấn. Trong đó có 66 xã khu vực III, 04 xã khu vực II, 68 xã khu vực I. Có 735 thôn đặc biệt khó khăn trên tổng số 1.298 thôn, tổ dân phố. Trên 44.000 hộ nghèo chiếm 31,3%.
Để những chính sách sớm đi vào cuộc sống, góp phần tạo nên những thay đổi tích cực cho bà con dân tộc thiểu số và miền núi, Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 284/KH-UBND ngày 15/8/2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai và Kế hoạch số 285/KH-UBND ngày 15/8/2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022.
Năm 2022, theo kế hoạch, Lào Cai sẽ huy động trên 720 tỷ đồng để triển khai các dự án thành phần của Chương trình. Theo đó, Lào Cai phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chuẩn nghèo đa chiều đạt 6%; 100% đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; trên 76% số trường, lớp học được xây dựng kiên cố; 100% trạm y tế được xây dựng kiên cố; trên 96% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 96% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh. Tỷ lệ học sinh mẫu giáo 4 tuổi và 5 tuổi đến trường đạt 99%; học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường đạt 99%; học sinh trong độ tuổi học trung học cơ sở đến trường đạt 99%; học sinh trong độ tuổi học trung học phổ thông đạt 63%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông đạt 94%. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88%; trên 75% phụ nữ được khám thai định kỳ; 87% phụ nữ sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự giúp đỡ của cán bộ y tế. Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) còn 15,1%, suy sinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) còn 27%. Trên 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp nhu cầu. 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 68% thôn có đội văn hoá, văn nghệ (hoặc câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ từng bước tiến tới bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương.
UBND tỉnh Lào Cai đã sát sao quyết liệt, chủ động chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiều lần rà soát khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tổ chức nhiều cuộc họp của lãnh đạo UBND tỉnh với các sở, ngành, địa phương; tích cực phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi triển khai Chương trình.
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và giảm nghèo về thông tin cũng được tỉnh chú trọng triển khai. Đến nay, đã có khoảng 2.000 tin, bài tuyên truyền được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung tuyên truyền trọng tâm về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; về hoạt động bình đằng giới vùng dân tộc thiểu số, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số; phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi về Luật phòng, chống ma túy, Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật An toàn giao thông, Chủ quyền an ninh biên giới; vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực lao động sản xuất, ổn định đời sống, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; các mô hình, gương điển hình tiên tiến, phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh duy trì chương trình thời sự (trên sóng truyền hình, phát thanh) với 3 thứ tiếng (tiếng Hmông, tiếng Dao, tiếng Giáy). Báo Lào Cai duy trì ấn phẩm Báo dành cho đồng bào dân tộc, phát hành 03 số/tháng. Tỉnh Lào Cai đã thực hiện đặt hàng Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh các chương trình thời sự có tần suất ngày 3 chương trình (trên sóng truyền hình, phát thanh) với 3 thứ tiếng (tiếng Mông, tiếng Dao, tiếng Giáy); 12 chuyên mục với gần 240 chương trình tuyền hình tiếng dân tộc; 30 chuyên mục với gần 1.500 chương trình phát thanh tiếng dân tộc góp phần đáp ứng được nhu cầu cung cấp thông tin, giải trí cho đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai./.